Nguyễn văn Thà: MÂY VÀNG ÂU YẾM GIĂNG NGANG

Tặng Suối Ngọc

Bergen là thành phố của hoa đỗ quyên và của mưa, mưa chiếm ba phần tư ngày của năm. Mưa giam chân người trong nhà, nên người ta sinh con nhiều hơn và cũng làm ra nhiều mê say, nhiều nghệ sĩ, và nơi đây cũng nổi tiếng có nhiều đàn bà đẹp vì trời mưa vuốt má các nường nhiều hơn những nơi khác. Đấy là lời bàn vô của bạn Nam khi Nam nói là Nam sẽ từ Oslo dời lên đó. Không lên không được, không còn có sự chọn lựa nào khác, bây giờ nhìn lại thì buồn cười, nhưng vào cái tuổi bốn mươi nhựa sống vừa căng vừa chạy loạn xạ, phi như ngựa chứng, húc như dê càn – trong đầu, thì đấy là một chân lý. Giòng nhựa sống ấy trôi âm thầm trong cuộc sống êm ả có căn nhà ấm, có một bà vợ đẹp không đủ để Nam làm thơ say mê dữ dội như thơ Đinh Hùng, nhưng đủ để cảm những bài thơ hiền lành của Nguyễn Bính, có đủ cái ăn, thậm chí ăn ngon, và vô số sách hay để đọc, có một công việc để làm, có nhà thờ để ở đó được nghe những lời răn dạy.

     Mùa xuân là mùa cưới. Cái phong tục hay hay này ông Đạo, cậu của Nam, đã nghĩ tới khi cậu ấy tổ chức đám cưới cho con trai út vừa đẹp trai lại vừa tốt nghiệp kỹ sư điện toán vào cái thời đầu của kỹ nguyên điện toán; con trai của cậu Nam lại lấy con một cô gái người Bắc ăn nói có phép có tắc. Ông cậu của Nam chuộng người Bắc là chuộng chỗ đó. Ông là chủ tịch hội đồng giáo xứ xứ Sankt Paul nên cái lối ăn nói kiểu cách, dè ấy giữ rất thích khi họp một năm đôi lần ông phát biểu trước cộng đoàn giáo xứ.

    Khi ở trong một Đất Nước mà mỗi người, nói chung, đều thể có một cái vi la hay một căn hộ đàng hoàng và một cỗ xe hơi khá tốt, thì chuyện môn đăng hộ đối về của cải không còn là chuyện quan trọng, nhưng chuyện môn đăng hộ đối về cái danh vẫn còn đó đối với kẻ có cái chức chủ chủ tịch hội đồng giáo xứ như cậu của Nam, và với những ông bà có danh giá, chức tước mang từ Việt Nam qua, trong đó có ông Bằng là cựu quận phó hành chánh, tốt nghiệm ưu hạng trường Quốc gia Hành chánh, người sẽ thay mặt cho bên nhà gái nói vài lời trong đám cưới.

    Nam được ông cậu mời dự đám cưới và đồng thời được yêu cầu thay mặt nhà trai làm cái việc tương tự của ông cựu quận phó kia. “Cháu có chữ có nghĩa mới đương đầu với người ta được. Người ta là dân Quốc gia Hành chánh. Qua đây lại được nhận vào làm ngân hàng ngay.” Cậu Nam nói qua điện thoại. “Nhưng cậu ơi, cháu mà chữ nghĩa cái gì, chỉ biết lỏm bỏm đôi chữ thôi mà cậu.” Nam trả lời cậu như thế và đó là sự thật. Nam có đậu tú tài toàn phần thật, nhưng tú tài ban C, ban văn chương sinh ngữ, học một năm ở Văn Khoa thì kiến thức của anh chỉ xoay quanh văn chương của mấy cụ đồ xưa lẫn cụ đồ mới, một mớ triết lý hỗn độn từ mấy cuốn sách giáo khoa triết học dịch một cách luộm thuộm từ sách giáo khoa của Pháp, một mớ kiến thức linh tinh trong các tuần san, nguyệt san Thời Nay, Phổ Thông, Văn… thời đó và mấy bài tiếng Pháp i tờ thì Nam làm sao mà đương đầu với ông cựu quận phó cho được. Nhưng Nam không thể từ chối cậu Nam, vì cậu Nam tuy ít học, đi lính chỉ lên tới thượng sĩ huấn luyện trong trường thiết giáp Thủ Đức, nhưng vì đi lính từ thời ông Diệm, thời mà lương nhà binh khá cao và có người vợ biết chắt chiu, thậm chí keo kiết, nên gia đình cậu Nam có khá nhiều tiền, ít nhất là giàu gấp bội gia đình Nam làm ruộng và đánh cá, nên cả cậu cả mợ, ắt là phải trọng chuyện chữ nghĩa lắm dù keo kiết, cho nên hồi Nam đi học trung học và đại học, thường hay cho Nam tiền, điều này đỡ gánh nặng cho cha mẹ Nam rất nhiều. “Mợ cháu chỉ  muốn cháu đại diện.” Cậu nói tiếp. Câu nói này đánh gục ngay cái ngần ngại, tính cù nhưa cố hữu của Nam.

Đúng như Nam dự đoán, ông cựu quận phó ấy có tác phong, ăn nói của một người có học và một thời đã có chức vị cao trọng trong một xã hội xưa và xa. Bài diễn từ của ông gồm những lời cầu chúc mang tính điển lệ cho một tiệc cưới và những lời khuyên. Ông còn khuyên là hai vợ chồng sau này nếu có cãi nhau thì một người nên đi ra ngoài ngắm cảnh hay đi siêu thịmột vài tiếng cho hai bên nguôi ngoai rồi trở về, và mỗi người nên cố gắng có công ăn việc làm chớ đừng có ăn bám vào xã hội, như chính ông đây vừa tới Na Uy được một tháng là làm việc trong ngân hàng ngay, làm cả hai mươi năm nay, tuy rằng khách dự đám cưới đang nghe ông có ít nhất chín phần mười ăn tiền xã hội. Có người có vẻ phục ghê lắm, có kẻ, như đa số dân Việt, vẫn lễ độ thậm chí nhẫn nhục ngồi nghe, nhưng cũng có kẻ bực bội ra mặt, đặc biệt mấy anh tre trẻ dân nhà binh ngày xưa. Có anh nói: “Làm nhà băng cũng năm bảy nghề, biết đâu thằng chả làm loong toong. Mới qua một tháng thì làm sao có đủ tiếng Na Uy mà làm việc nhà băng. Dân Na Uy coi vậy họ kỵ nói tiếng Anh, tiếng Pháp, dù ông ấy nói được hai thứ tiếng đó với họ.”

Thế rồi ăn uống vui vẻ. Thế là hát hò, lại càng vui hơn. Thường là mấy bài theo nhịp bolero về tình yêu, về ngày cưới. Ai hát thì hát, ai nói thì cứ nói, thậm chí nói to tiếng, thậm chí dzô dzô dzô. Mấy anh nhậu say cùng bàn thúc dục Nam dzô dzô, rồi có anh thúc dục Nam phải hát một bài: “Đẹp bô giai như ông anh, chắc phải hát hay. Làm một bài đo anh.” Chỉ có dân có hơi men mới ngộ ra được cái chân lý kỳ cục này. Tới lúc này không còn ai lên hát nữa, bầu không khí văn nghệ bắt đầu loãng. Anh điều khiển chương trình hình như nghe lọt được nhận xét của anh xỉn, bèn đi xuống chỗ Nam ngồi, ghé tai Nam nói: “Anh Nam lúc nãy đã cho chúng tôi nghe một bài diễn từ rất hay, với chất giọng thật trầm ấm. Anh mà hát, chắc giọng anh chắc chẳng thua gì giọng ca sĩ Duy Trác đâu. Xin anh giúp vui cho một bài.” Nam không đành lòng từ chối và sẵn mấy ngụm bia vừa ngấm vào máu, Nam đồng ý và bước lên bục gỗ. Nam biết mình hát không hay, vả lại nảy giờ người ta hát đã nhiều, anh bèn đọc bài thơ có chút dính dáng tới chuyện cưới, một chút quê hương có nhiều ánh sáng, nhiều sắc màu trong nắng, khác hẳn bầu trời nửa mưa, nửa tuyết nhảo ngoài kia, bài Mùa Xuân Chín của Hàn Mặc Tử:

Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý bóng xuân sang

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi

Đọc tới đây bỗng Nam thấy có ánh mắt long lanh, màu long lanh kim cương từ một góc tôi tối của phòng tiệc bay lên, quyện lấy lời thơ. Nam sững người, nhưng vẫn cố nuốt nước bọt, đọc tiếp:

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

Mọi người lắng tai nghe, khác với dự đoán của của Nam. Đọc xong bài thơ, Nam cảm thấy mệt lã người, tưởng chừng như sụm xuống được như con ngựa chiến sau cuộc chiến dài gục bên suối. Nam cũng không biết tại sao mình bỗng lên cơn mệt như thế. Chỉ biết là ngay khi ánh mắt sầu vạn nẻo từ góc kia vừa loé lên, cơn mệt như thác đổ chụp xuống, nhưng Nam vẫn cố đọc cho xong bài thơ, rồi ngồi thừ xuống chiếc ghế gần bục gỗ nhất. Tiếng vỗ tay rần rần. Tràng vỗ tay mà Nam không thể ngờ. Anh điều khiển chương trình lại giới thiệu một người lên ngâm thơ, một người nữ có tên là Ngọc Nhan. Chính là cô gái ngồi trong góc tối đằng kia, chứ không ai khác. Đấy là một người nữ còn rất trẻ, tường chừng chỉ mười tám đôi mươi. Khuôn mặt như cái tên của nàng: mặt ngọc. Cô nàng mặc chiếc áo lụa vàng ánh hoàng kim trên thân hình mềm sóng liễu, hay nói cách khác đấy là thân hình của một cây liễu vừa mới lớn, đủ cao, đủ dung tích lá, đủ vẻ dịu dàng cho muôn muôn tia nắng vàng tham lam tranh nhau dệt kín đồi vực thân thể nàng không chừa một chỗ trống. Nàng nói nàng sẽ ngâm bài Tháng chạp quê nhà1

ước chi em được làm chim nhỏ

bay về đậu dưới mái hiên xưa

gọi anh, buổi sáng trời xanh lắm

nắng trải lụa vàng, anh thức chưa?

thức dậy cùng em, thuở ấu thơ

tiếng con tu hú gọi vang bờ

dòng sông tuổi nhỏ trôi đi mất

còn bãi sông buồn đứng ngẩn ngơ

tháng chạp về đây, mùa gió bấc

so đũa trong vườn trổ trắng bông

hoa xoài, hoa bưởi thơm ngan ngát

trời đất se mình dưới gió đông

ta ra thăm lại bụi tre già,

tiếng cu gù đầm ấm, thiết tha

vẫn đôi chim của ngày xưa đó

hay là tiếng vọng tự thời xa?

ta đi tìm lại một thời vui

cỏ với cây cùng đứng ngậm ngùi

vườn mai năm cũ ai lảy lá

đợi xuân về mở cánh vàng tươi

quê nhà tháng chạp xa lăng lắc

mai mốt đây xuân có về không?

bởi em chẳng được làm chim nhỏ

ở đây dài lắm những mùa đông …

    Bài này Nam đã nghe rồi, trong một cuộc họp mặt tất niên bỏ túi của Ban Việt-Hán, niên khoá 1967 – 1968. Nghe lại, anh nhớ ngay người ngâm, một nữ sinh viên, quý danh Ngọc Dung và ở đâu ngoài Trung, và sau này biết rõ hơn: ở Tam Quan, Bình Định.

    Sau Tết Mậu Thân, nàng không còn trở lại trường nữa. Còn Nam, vì sắc lệnh đôn quân của Tổng Thống Thiệu, Nam không còn được hoãn dịch vì lý do học vấn nữa, phải đi lính.

   Có những lần hành quân qua Tam Quan, Nam cố dò hỏi về cô con gái có cái tên Ngọc Dung, nhưng chẳng ai biết, có lẽ như lời một ông lão ở đó úp úp mở mở nói: ”Ở đây dừa che hết, không ai biếc ai mô! Hoạ mai có mấy ông trong rừng.”

    Nam biết Ngọc Dung ở Bình Định là vì: Dung học môn nhiệm ý Hán Văn với Nam. Thầy Nguyễn Trung Lương, thầy dùng cuốn Hán Văn của giáo sư Huỳnh Minh Đức để dạy. Giáo sư Đức chủ trương dùng ngay các bài thơ, bài văn hay mà học chữ Hán, vì chúng sẽ gây thích thú cho sinh viên trong việc học và do đó sinh viên sẽ học mau. Vừa dạy cách viết vừa học từng chữ, phân tích các bộ thủ, các nét của chữ nằm ngay trong những áng văn thơ trác tuyệt của văn chương Trung Hoa Xưa chứ không học từ kiểu i tờ như các sách giáo khoa cũ với nhưng bài gồm các câu văn con nít tiểu học khô khan, gây chán. Những bài văn như Nhạc Dương Lâu ký, Đào Hoa Nguyên ký; những bài thơ ngắn như Lương Châu từ, Tĩnh Dạ Tứ, Thái Liên, Đề Tích Sở Kiến Xứ. Bài cuối này thầy Lương dạy một tuần trước khi nghĩ tết như một món quà xuân, thầy nói vậy, và món quà này sẽ theo đuổi Nam suốt cuộc đời kể là khá dài và khá gian nan của Nam.

    Nam thích Ngọc Dung và kiếm cách ngồi gần, do đó biết được tên. Nàng có cái nhan sắc của một khu vườn lá hoa sắc màu vừa phải, có cốt cách của một bóng mát dịu dàng. Bóng mát ấy, khu vườn ấy lại ướp vào mình hương hoa của văn chương chữ Hán. Ngô Chi Lan, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan đang cùng ngồi với nàng trong giảng đường và trong khu vườn riêng tây của nàng. Có phải vậy chăng? Nam tự hỏi. Nhưng có một điều chắc chắn là Nam thấy nàng rất có khiếu về chữ Hán. Nàng viết chữ Hán, những chữ Hán khải tự cân đối, tỉ mỉ, đẹp còn hơn chữ của thầy Lương viết trên bảng cho sinh viên tập viết theo. Nam thì trái lại.

   Sau một giờ học cuối năm, sau ngày họp mặt vừa kể trên, gió bấc đã thổi về, những cọng rác, nhánh cỏ, lá bàng, những mảnh giấy bay bơ vơ, bò loay xoay tuỳ gió trong sân trường đại học, Nam nói nhỏ với Ngọc Dung:

    ”Cô có thể viết cho tôi bài Đề Tích Sở Kiến Xứ được không? Chữ cô viết đẹp quá mà… bài thơ cũng hay quá…” – Nam chỉ đủ can đảm để nói tới đó. Anh chỉ sợ mình nói thêm, thì chiếc bình ngọc quý sẽ vỡ mất dù chỉ cắm thêm vào đấy thêm một nhánh hoa nhỏ.

     Ngọc Dung quay nghiêng nhìn Nam có vẻ ngạc nhiên, rồi mỉm cười chấp thuận:

    ”Dạ được.”

   Các sinh viên đã bắt đầu ra khỏi lớp. Nàng xé từ từ một tờ giấy vở và viết ngay cho Nam bài thơ, viết với một niềm đam mê chữ nghĩa thấy rõ, và viết nhanh, viết đẹp, rồi còn đề thêm lạc khoản ngày tháng năm, và mấy chữ gì đó, mà khi về nhà tra tự điển mới biết đấy là địa chỉ nhà nàng, một nơi ở Tam Quan, Bình Định. Bài thơ như sau:

題昔所見處

去年今日此門中
人面桃花相映紅
人面不知何處去
桃花依舊笑春風

(Đề tích sở kiến xứ

Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu xuân phong

Ghi lại những điều đã thấy năm xưa

Năm ngoái, ngày này, nơi cửa ấy
Hoa đào soi mặt ánh tươi hồng
Mặt người 
không biết giờ đâu vắng?
Chỉ thấy hoa cười đón gió đông.2)

    Nàng viết xong, đứng lên đưa bài thơ cho Nam và vừa mỉm cười vừa nói:

    ”Như thầy Lương nói. Anh cứ coi đây là quà tết gởi bạn đồng môn.”

    Rồi nàng nhìn Nam mắt sầu một thoáng mà khôn nguôi, ít ra là trong trí hoang tưởng của Nam lúc ấy, một chàng Nam đã yêu, yêu đầu đời khu vườn thanh xuân hé nụ cho cuộc đời chàng đã khổ và biết sẽ còn khổ nửa. Mắt sầu nàng cùng nỗi khổ của Nam cuối cùng cũng mở được cánh cửa của thành trì kiên cố xây bằng nhát đảm lẫn khù khờ của Nam:

    ”Ngọc Dung, Nam yêu Ngọc Dung.”

     Mắt sầu khôn nguôi chuyển qua lém lỉnh: ”Em biết, biết từ lâu rồi.” Rồi tha thiết: ”Thế nào chúng mình cũng sẽ gặp nhau lại.”

    ”Sau kỳ nghỉ tết Ngọc Dung sẽ trở lại trường chứ?”

    ”Dung cũng không biết nữa.”

    Phía ngoài có tiếng người đàn ông kêu, giọng hơi xẵng:

    ”Tư, đi ra mau đi, kẻo trễ.”

    Nam nhìn ra ngoài thấy một ông đàn ông có vẻ gấp đôi tuổi nàng, có cái bản mặt cương nghị pha lẫn hung hãn, đeo kiếng đen, đang ngồi trên chiếc Honda đàn ông màu đen chờ nàng. Ông ta cằn nhằn gì đó. Rồi xe Honda rú lên và xả khói cay xè. Nàng cúi đầu nhìn xuống yên xe. Không nhìn lại Nam.

   Bài thơ Đường một thửa sân trường đi theo Nam qua những mùa chinh chiến khốc liệt, nhưng tờ thơ ấy lúc nào cũng nằm trong túi áo trên ngực Nam, nó đã ướt mưa rừng, đẫm mồ hôi, và đã cháy sém, đã hoen máu khi chiếc thiết vận xa của Nam bị bắn cháy và anh bị phỏng, và cách đây mười năm nó đã ướt nước mặn trên chuyến ra đi biển lớn và cuối cùng đã tuột mất khỏi túi áo và rơi đâu đó trong bão tố đại dương lúc nào không hay.

    Anh điều khiển chương trình giờ cũng đã thấm mệt. Anh tiến lại phía Nam và mời Nam qua bàn đằng góc nói chuyện chơi. Anh khen lối đọc thơ của Nam và rằng Nam khéo chọn bài thơ. ”Nghe anh đọc thơ mà lòng ấm lại.” Anh ta nói. ”Ở đây xuân xung gì mà lạnh thấy mẹ!” và hoá ra người ngâm bài thơ Tháng chạp quê nhà là vợ mới cưới cách đây một năm của anh, dịp anh về Việt Nam, ra Quảng Nam thăm lại chiến trường xưa.

    Đó cũng là nơi, sau ngày cởi áo lính bộ binh VNCH, mặc áo rách thường dân, rồi chẳng bao lâu sau đó, theo lời dụ ngọt của mấy lão áo ngoài quần, bụng phệ, cỡi Volga, anh mặc áo xanh thanh niên xung phong và tham gia phá rừng, đào kênh lập một nông trường ở đó, với chiếc ghi ta trên ba lô. Xứ trầm hương xưa ấy có nhiều gái đẹp. Với dáng phong trần, với giọng hát trầm ấm, với chiếc đàn ghi ta mà anh chỉ bấm tới lui mấy hợp âm đơn giản đủ để hát những bài hát thô sơ thậm chí thô thiển thời đó, anh ẵm được một cô vợ xinh xinh, con nhà có chữ có nghĩa, cái chữ nghĩa đã trở thành vô ích, thậm chí tai hại vào thời chó ngồi chồm hổm dạy hiền nhân, nhưng cái chữ nghĩa của thời trước ấy của gia đình nàng đã làm nên những người giỏi giang tới mức độ được đi du học ở Pháp và đã thành đạt. Nàng và gia đình được mấy ông anh giàu có, có địa vị ở Pháp bảo lãnh đi Tây, nhưng nàng vẫn cương quyết ở lại với chàng thanh niên xung phong nghệ sĩ.

    Họ lấy nhau và sinh con. Có con rồi lãng mạn tình yêu bắt đầu xuống giốc thê thảm, huống gì lãng mạn cách mạng. Cuối cùng hai người phải vượt biên và qua được Na Uy.

    Đối với nhiều người đàn ông, có được một cô vợ như thế thì cũng đủ vui rồi, nhưng cái tự sướng nghệ sĩ nơi anh ta bốc lên tận trời sau mấy buổi văn nghệ cộng đồng anh đàn và hát những ca khúc do anh sáng tác và được nhiều em gái ca tụng. Rồi Paltalk, rồi Facebook làm cho những lời ca tụng này hiện diện thường xuyên hơn, rôm rả hơn, màu mè hơn trong cuộc đời anh. Rồi mấy bà sồn sồn cũng nhập cuộc. Tiếng chat, tiếng điện thoại xôn xao, ồn ào ngay cả trong nhà, trước mặt mấy đứa con, trước mặt vợ anh trong khi chị đang nấu những món ngon cho anh, thậm chí cả khi đang làm món nhậu chiều anh. Những em gái mơn mỡn mà anh muốn, chẳng ai thèm lấy một người gần gấp đôi tuổi mình, lại còn thất nghiệp kinh niên, còn mấy mụ sồn sồn thì anh chỉ giao thiệp cho tăng thêm danh giá nam nhi của anh mà thôi, chứ anh không thèm rờ tới vì trong đầu anh đang còn đầy ắp hình ảnh những nường vừa trẻ vừa xinh. Lia chia chat, inh oang điện thoại ngày nối ngày, đêm nối đêm.

    Chuyện kể thì còn dài, nhưng chuyện gì phải đến, tất đến: vợ anh ly dị anh.

    Sau những ngày không được làm tình miễn phí, không được ăn cơm ngon mà lại cơm chùa của vợ, anh phải kiếm một lối thoát: Phải về Việt Nam cưới vợ nơi mà anh rành địa hình nhất, đó là nơi anh đã đi thanh niên xung phong năm xưa.

    Người vợ thứ hai này, anh hoàn toàn đắc ý vì nhan sắc, về tính tình, và đồng thời đắc ý trả thù được bà vợ trước lâu nay nhu mì bây giờ giở chúng ngạo mạn từ chối tiếp tục sống với anh. ”Xưa thì coi còn được, giờ thì già mẹ nó rồi, mà còn bày đặt cao giá!” –  Anh hậm nực.

     Cô vợ mới của anh điều khiển chương trình có cái tên đẹp và khuôn mặt khả ái như tên của mình: Ngọc Nhan. Tuy nhiên nàng có cái lý lịch Nam không ưa chút nào: Ngọc Nhan có cha mẹ là dân cách mạng. Họ lấy nhau sau năm 1975, nhưng trước đó cha cô là cán bộ thuộc ban dân vận nội thành, và mẹ cô từng là thành viên của Hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng Sài Gòn-Gia định, đã cùng với ban chấp hành lãnh đạo sinh viên chống quân sự hóa học đường, chống bắt đi lính. Không chỉ vậy, bà còn nằm trong ban lãnh đạo những đêm nhạc ”Hát cho đồng bào tôi nghe”  đã khơi dậy lòng ”yêu nước” khắp đường phố Sài Gòn. Sau khi CS chiếm được Miền Nam như hai người mong ước, họ chỉ giữ những chức vụ tép riu, hoặc chức vụ có tiếng mà không có miếng như bao người Miền Nam theo MTGPMN. Hay nói cách khác họ, bằng khen đầy bồ, mà chum gạo thì trống trơn.

Giao thừa năm nay, như những giao thừa trước, Nam thức uống trà, ăn mứt đọc sách, đọc online cuốn Câu Chuyện Giòng Sông của Hermann Hess trùng điệp những kiếp người giữa giòng hư vô thì có tiếng chuông từ ipad báo có e-mail tới, e-mail của người gởi có tên Hứa Ngọc Dung. Nam toát mồ hôi lạnh. Mở ra thì thấy một hồ sơ đính kèm, mở hồ sơ đính kèm, hình một miếng giấy cũ hiện ra, phóng đại lên thì Nam thấy trên tờ giấy nhàu cũ năm xưa có bài thơ Đường chữ Hán, bài Đề Tích Sở Kiến Xứ với nét mực xanh bút nguyên tử còn tươi xanh màu lá, tuy tờ giấy có vết máu khô, có vệt cháy và cả những vành trăng trắng hình như của muối đọng khô lại mà cũng có thể của nước mắt. Dù biết là khuya, sẽ rất sỗ sàng nếu gọi điện thoại cho Ngọc Nhan vào giờ này, nhưng khi Nam vừa gọi thì được bắt ngay như đang được đợi sẵn. Nam thì thầm:

    ”Ngọc Nhan đó hả? Tôi vừa nhận được e-mail có hình mảnh giấy trên đó ghi bài thơ chữ Hán giống y như tờ thơ mà mẹ Ngọc Nhan viết cho tôi năm xưa.”

    Và đằng đầu dây có chiều âu yếm, có chiều lên khơi:

     ”Anh ơi, hoa đào năm trước còn cười gió đông3. Em sẽ về với anh. ’Thế nào chúng mình cũng sẽ gặp nhau lại’ anh có còn nhớ?”

Nam đạp tung cánh cửa,

Mây vàng âu yếm giăng ngang. 

Nguyễn Văn Thà

Oslo, Tết Canh Tý, 2020

1. Thơ của Khánh Hà.

2. Bản dịch của Hoàng Nguyên Chương

3. Nguyễn Du dịch câu Đào hoa y cựu tiếu đông phong, trong bài thơ ĐTSKX trên.

CUỐI NĂM NHỚ MẸ CHA TA

Cha (Bọ) Nguyễn Tiệm đã khuất núi, và các cháu
Mẹ (mạ) Nguyễn Thị Hiếu đã qua đời, với cháu Huy

Nguyễn Văn Thực

Cuối năm nơi đây tuyết tuyết đổ

Nhà ấm, ghế êm làm thơ tình

Nhà ấm, bàn đẹp thảo tình khúc

Bao năm tụng đàn bà yêu tinh

Cuối năm pháo thăng thiên nổ nổ

Đèn giăng, hoa thơm, đồ ăn ngon

Rập rình nhạc xuân, rượu chảy chảy

Đầu óc ngầy ngầy, môi ai son

Mẹ cha ta héo một dòng thơ không có

Mẹ cha ta héo nửa nốt nhạc cũng không

Mẹ cha ta cho ta ăn và học

Bán nhà cho ta vượt Biển Đông

Mẹ cha ta gầy trăm đô chuyện hiếm

Mẹ cha ta buồn thăm hỏi dường không

Mẹ cha ta cho ta ăn và học

Đầy đủ, mẹ cha ôm bụng không

Cuối năm năm nay nước mắt nhỏ

Vợ nhằn vợ nhẳn, ta làm thơ

Con lơ con láo, ta làm nhạc

Thương mẹ cha ta ngày ấu thơ

Mẹ cha ơi, trong thư phòng nhỏ

Thơ sầu, nhạc muộn con xin dâng

Mẹ cha quê nhà nằm dưới mộ

Mẹ cha vì ta, đồ chết đâm

Tết 2019

TỔ PHỤ

Nguyễn Văn Thà

Tổ phụ Abraham, theo Kinh Thánh Cựu Ước, là tổ phụ của dân Israel: Do Thái, đã nghe lời Đức Chúa Trời truyền dạy và đưa cả gia đình, tôi tớ, sản nghiệp từ thành phố quê hương Ur, vùng Kaldea, nay là miền Nam của Irắc, tới Haran, Thổ Nhĩ Kỳ, và sau đó tới Canaan, nay là Israel: Do Thái, ”miền đất hứa chảy sữa và mật ong” mà ĐCT hứa ban cho ông và con cháu ông. Lịch sử cổ trong Kinh Thánh Cựu Ước cũng là lịch sử của các giáo hội Kytô giáo, trong đó có giáo hội Công giáo. Tổ phụ Abraham của Do Thái, cũng là tổ phụ của cha tôi, người Công giáo, theo nghĩa thiêng liêng.

***

Không ai quên được quê hương mình dù quê nghèo, cũng như không ai quên được cha mẹ dù cha mẹ khổ.

Tôi nay đã khá già, nghĩ lại quãng đời đã qua của mình, thấy mình sinh dưới một ngôi sao khá tốt. Tuy ở nhà quê, đất đai không được mầu mỡ cho lắm, đất pha cát, nhiều rừng, nhưng nếu biết khai phá, vẫn có đất: đất thịt pha cát để trồng lúa, đất cát trồng khoai; làm đủ ăn, có năm còn dư chút đỉnh. Lại còn có biển, bờ biển đẹp, rất đẹp với những đồi cát trắng tinh, mượt mà lượn theo gió, lung linh sáng theo mặt trời và huyền hoặc, thần tiên đêm trăng. Biển đẹp và còn có rất nhiều cá những năm mới đến lập cư, và còn đủ để ăn những năm sau này, nhưng cho tới ngày Việt Cộng vào cá mú hầu như tiệt. Lạ thiệt! Củi đuốc thì đã có rừng sát sau nhà. Có một ngôi thánh đường xinh xinh, xây theo kiểu một ngôi nhà thờ ở Pháp, do các sinh viên, học sinh quê của linh mục thừa sai Pháp đóng góp và quyên tặng. Có một ngôi trường tiểu học làm bằng gạch, lợp ngói xám, màu ngói Pháp, năm phòng cho năm lớp, ghế bàn đúng kiểu ghế bàn học, có đánh vẹc ni vàng bóng, lại có hai cây me cổ thụ trước trường và góc phải sân trường để trèo chơi và hái lá me non nhét trong cạc táp đưa về cho mẹ để mẹ nấu canh chua với cá cha vừa đánh được hồi sáng. Và các thầy giáo, cô giáo thiệt hiền, thiệt giỏi. Không giỏi sao được khi học xong lớp tư, chúng tôi có thể đọc được sách kinh, sách bổn ro ro; các anh chị dạy giáo lý mỗi tối cũng giỏi luôn. Chúng tôi ngồi vòng tròn trên sân xi măng mát rượi của nhà xứ học giáo lý, học lẽ đạo, lẽ đời, ăn ở sao cho đẹp lòng Chúa, có nghĩa là sống sao cho tốt lành, đạo đức. Không khí biển trong lành, mát rượi, hơi khô và gây khó chịu, nham nháp vào cuối năm khi gió bấc tràn về, nhưng được cái lúc đó khí trời lành lạnh, thinh thích nhìn những làn khói của hơi thở bay ra từ cửa miệng buổi sáng đi lễ về. Thuốc men thì có một cô y tá ở trạm xá chẩn bệnh, những bệnh thông thường, và phát thuốc cho không. Mấy bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường và cả ho lao không làm gì có. Ăn cơm, ăn cá, ăn khoai, ăn ruốc, ăn mắm, ăn rau muống, đọt rau lang, rau sam đồng…, những thứ nầy ê hề, chưa bị nhiễm thuốc diệt sâu. Coi! Chúng tôi có thiếu gì đâu: lương thực, giáo dục, đạo đức, y tế, môi trường, tất cả tương đối tốt, những điều mà ngày nay các chính trị gia đang hô hào. Tóm lại như cha tôi nói: Mình sống trên cơm dưới cá; hay như lời cha xứ: Đất lành, chim đậu – cho tới cái ngày kể trên.

Vì dư chút đỉnh, cha mẹ tôi cố gắng gởi tôi đi học xa vì tôi là con trai đầu sau ba chị gái, xa tận Thủ Đức trong một nhà dòng và hưởng được một sự giáo dục tương đối tốt, học chương trình Việt trong khi các trường dòng chung quanh lại dạy theo chương trình Pháp. Cha mẹ chỉ đóng tượng trưng tiền trường và tiền mua sách vở và tiền xe cộ những dịp nghỉ hè, nghỉ tết. Không thấy các cha, các thầy dòng phụ trách nói về vấn đề tiền bạc. Tới nay tôi mới thấy các cha, các thầy dòng xoay xở sao mà giỏi đến thế để nuôi ăn, nuôi ở hàng trăm đệ tử sinh. Tôi thấy các thầy nuôi heo, nuôi cá, muối cá làm nước mắm, nuôi gà công nghiệp, đóng sách gáy da, mạ vàng cho các thư viện và những người yêu sách. Chắc chắn cũng có những tín hữu hảo tâm trong và ngoài nước giúp đỡ mới có đủ tiền nuôi, dạy chúng tôi, những con người, qua trung gian Giáo hội, giúp đỡ chúng tôi, những ân nhân thầm lặng bao đời.

Có giáo sư Phong dạy văn chương Việt thiệt tài; thầy Yến dạy toán, lý, hoá lão luyện; thầy Jean con một bác sĩ người Việt có quốc tịch Pháp, làm việc cho Pháp, và thầy, sau khi cha mất để lại một biệt thự ở đường Tú Xương và một gia tài lớn, thầy bị lưng gù, nên người ngắn ủn, tình nguyện dạy tiếng Pháp không lấy tiền; cha Piô dạy tiếng La tinh, cha rất giỏi, nhưng không biết sao học sinh không được tiến bộ nhiều, có lẽ tiếng La tinh quá khó và cha dạy quá ôm đồm.  Và cha giám đốc giỏi giang, nhân từ mà khôn ngoan, cao ráo, đẹp người, một mẫu người đàn ông lý tưởng, nếu ngài không đi tu. Tôi vẫn nhớ nụ cười xoà của ngài khi tôi gặp ngài (được gặp bất cứ lúc nào), thắc mắc về những chuyện vô lý như về Một Đức Chúa Trời sao lại Ba Ngôi, đã một sao lại còn ba, về tội nguyên tổ, chuyện một Đức Chúa Trời dựng nên trời đất không đủ hay sao mà con thêm Chúa Cứu Thế mà làm gì… và cha nắm tay tôi bảo: ”Từ từ Chúa sẽ tỏ cho con.”

Tôi ở bên khu các đệ tử sinh, nhưng thỉnh thoảng cũng lén vào thư viện vĩ đại của nhà dòng, thuộc khu các cha, các thầy xem sách, những cuốn sách tiếng Pháp, tiếng La tinh, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Ý… đóng gáy mạ vàng làm tôi mê, rờ thôi cũng đủ mê; lúc ấy tôi chưa đủ khả năng đọc sách ngoại ngữ; tôi thấy có cả các tạp chí Mỹ thời đó. Dĩ nhiên có cả sách tiếng Việt, những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng. Đọc lén vài trang là đã mê. Có máu mê sách từ nhỏ, lúc đó càng mê. Hậu quả là tiền túi cha mẹ cho, được cha phó giám đốc giữ giùm, chi tiêu gì thì ghi sổ, còn dư được trả lại khi nghỉ hè, số tiền còn dư đó tôi dùng mua sách ở các chợ sách vỉa hè ở Sài Gòn, nơi tôi ghé chơi vài ngày tại nhà đứa bạn cùng lớp trước khi về mẹ. Tới lớp đệ nhất, tôi đã có khoảng 300 cuốn sách, sách Việt, sách Pháp. Tôi mua được cả cuốn Từ Hải đại từ điển, chữ Hán, thấy có ghi tên Nguyễn Hiến Lê đầu sách, cả cuốn Bible de Jerusalem*, mà tới nay ở Na Uy tôi vẫn chưa mua lại được vì quá mắc, toàn thể sách triết an vi của Kim Định, sách bỏ túi tiếng Pháp loại Le livre de poche* tôi cũng mua được nhiều… Sách được chưng trong một tủ kiếng lộng lẫy đặt ngay giữa nhà. Nhiều sách như thế, nhưng tôi nào có đọc được hết. Tuy nhiên, một phần nhờ thế mà trong làng tôi được tiếng là người hay chữ. Mê. Mê đến nỗi, mấy ngày trước 30.4 năm ấy, tôi đang ở Vũng Tàu với cha tôi, và cha chỉ cho tôi những ghe sắp sửa chạy ra tàu Mĩ ngoài khơi, tôi vẫn không muốn đi theo, tôi vẫn muốn lên ghe về lại quê ở Hàm Tân, nơi có một cuộc sống tương đối sống được, và nhất là tôi có một tủ sách để sống một cuộc sống ”trí sĩ”, và có thể làm việc chút ít và dạy học cho các em trong làng chút đỉnh như thi sĩ người Tàu Đào Tiềm xưa. Như các bạn thấy đó: những tư tưởng này bàng bạc trong các sách thiền, thơ cổ xuất bản thời đó, ví dụ, sách của nhà xuất bản An Tiêm, Lá Bối, của Trung tâm Học liệu. Vào lúc có lệnh tịch thu ”sách vở, văn hoá đồi truỵ”, cha tôi, vốn là người đã giúp đỡ lúa, khoai cho gia đình ông thôn trưởng VC trước khi ông vào rừng, đưa 4 cuốn sách tiếng Pháp nhỏ giao nộp, thì ông ta nói: ”Đưa về cho thẩy đọc.” Tôi cảm thấy an lòng.

Nhưng – chữ ”nhưng” mà nhiều người đã phải trải nghiệm đau đớn, kể cả những vị thông thái, những vị quyền chức hơn tôi nhiều mới thốt lên được – cuộc thế xoay vần bởi người CS không như người thường tưởng. Mấy tháng đầu sau ngày ấy tôi được kêu đi dạy học bình dân học vụ. Dạy đang hăng, học trò đang khá dần, thì bị dẹp như bất cứ công trình của mấy bố CS. Họ chẳng làm được gì dài lâu, bất cứ cái gì, ngoại trừ đánh nhau, chém giết, thù hằn, nghi kỵ mãn kiếp vẫn chưa nư. Mộng làm thầy đồ như thế là sụm.

Tôi cố gắng thi vào đại học sư phạm, ngành tiếng Pháp. Bài thi trình độ rất thấp, ví dụ, có câu hỏi phân từ quá khứ của động từ avoir (có) là gì, trong khi tôi đã đọc sách tiếng Pháp làu làu, nhưng tôi vẫn không đậu vì bài thi chính trị và bài thi lịch sử đảng CSVN tôi hoàn toàn không biết, hoàn toàn bỏ giấy trống. Tôi bắt đầu phải đi cày, chặt củi, vác củi, chặt tre gai, vác tre bó đi chân không, trời nắng chang chang, không còn mồ hôi mà đổ, quần tà lỏn rách đủng lòi c. đôi khi; đi biển, chèo thuyền thúng với cha những hôm biển lặng, những hôm biển động lại vác lưới cước đi chặn cá ngạnh trong hói, đi cả sáu tiếng dưới trời nắng gắt mà chỉ bắt được mươi con cá nhỏ bằng ngón tay. Tôi lý luận với cha tôi là dùng sáu tiếng đồng hồ mà chỉ được mười con cá nhỏ xíu như thế thì tốn công quá; tôi còn ngớ ngẩn dùng chữ calorie* để nói với ông. Ông không thèm trả lời. Và tôi phải đi cày, và còn phải còng lưng cấy triệu triệu tép mạ, công việc đàn bà. Tôi cấy rất nhanh vì tôi hướng đuôi bó mạ sát mặt đất bùn theo công thức tính vận tốc  V = S/t , V là vận tốc, S là quãng đường đi được, và t là thời gian ra mạ và chấm xuống bùn. S của tôi rất dài tính theo những hàng lúa tôi cấy, t của tôi rất ngắn, vậy V của tôi tất vượt hơn hẳn những chị em tôi cùng cấy mà bó mạ của họ cách mặt bùn tới 1 gang rưỡi tức khoản 15 cm, trong khi bó mạ của tôi chỉ nhiều nhất 5cm, do đó tôi cấy rất nhanh, khoảng 1/3 giây cho mỗi tép mạ. Đó là chưa tính chuyện biết toè bó mạ cho đều để tút tép mạ cho nhanh. Áp dụng công thức này tôi cấy nhanh gấp ba những chị em khác, và chuyện đàn ông cấy nhanh hơn đàn bà là chuyện ”thế gian xưa nay hiếm” và chuyện ông thầy hay chữ như tôi mà còn cấy nhanh hơn bọn đàn bà 3 lần là ”chuyện thế gian chưa từng có.” Hai câu nhận định trong vòng ngoặc kép này là của một chị hàng xóm môi trầu, má đỏ thỉnh thoảng cấy giúp cho nhà tôi. Nhưng khi trời mưa to, gió lớn, nước ngập ruộng đồng, và cha tôi đi thăm đồng thấy một số cọng mạ bị giạt vào những góc ruộng, và tính cha tôi vốn trọng từng hạt lúa, khi gặt lúa, ông đi lượm lại từng bông lúa gặt sót, nhặt từng hạt lúa rơi vãi chỗ đập lúa, thì chuyện hàng trăm cọng mạ trốc gốc, trôi dạt như thế là tội tày trời, và ông chắc như đinh đóng cột: thủ phạm không ai khác chính là tôi, thằng Nam, cấy mau, cấy dối cho mau về nhà. Lại chuyện chữ nghĩa: Có bữa, đợi đêm trời mát, tôi gánh một gánh khoai nặng từ rẫy về, nhưng để cho đỡ mệt, tôi đọc to những câu đàm thoại tiếng Anh tôi nhớ được từ cuốn L’Anglais sans peine*. Vai trĩu nặng, nhưng tâm hồn bay bổng trong thế giới chữ nghĩa của mình, và càng bay bổng hơn khi gánh qua một vạt rừng rậm, tôi bỗng nghe có tiếng người bật chạy và thét: ”Ma Tây, ma Tây!”. Hình như tiếng chị môi trầu, má đỏ. Cô nàng chạy nhanh quá, mà tôi, với đôi thúng khoai đầy vun trên vai, làm sao kịp phân bua: ”Không phải ma mô, chị ơi!”. Ai bảo gánh khoai là khồ?

Tôi bị đè nén từ gia đình, do công việc nặng nhọc, lại phải học tập chính trị ban đêm liên miên, lúa làm ra phải đóng thuế cực cao, nên đói, lại còn phải đãi bọn đi bình thuế nông nghiệp nhậu. Có đứa sau bữa nhậu, đi qua nhà tôi còn chửi đổng: ”Đ. M., học cao mà làm con c. gì, như tau đây mới đã.”  Tôi, thời gian đó thể xác cũng như tâm thần như tê dại, có bữa gặp thằng bạn thân cùng lớp thủa trung học giữa đường, đơ người chẳng nói gì được, nói chi chào hỏi thân tình. Thằng bạn đó cũng đơ luôn, trơ mắt nhìn mà chẳng nói gì được. Kinh chưa cái xã hội CS tạo nên ấy.

Rồi người ta bắt thằng Bắc, em trai 17 tuổi của tôi, đi thanh niên xung phong trồng bông ở Phan Rang. Nó đi được một tháng thì trốn về. Người gầy như que tăm. ĐMCS, nó chửi vậy, thanh niên xung phong cái con c.; và nó cưới vợ để tránh đi thanh niên xung phong.

Vì ở sát biển với bờ biển tạo bởi những đồi cát lớn có cây cối mọc như rừng, nên dân làng tôi đi vượt biên ào ào, thường là lọt. Thế là có người biết tôi biết tiếng Anh, kêu đi vượt biên để thông dịch với tàu quốc tế khi được vớt. Tôi đi cùng em trai tôi, và cả hai bị bắt. Nó được thả ra trước. Nó lén lút đến ngoài hàng rào kẽm gai trại tù và nhanh nhẹn quăng vào cho tôi đang tưới phân tươi cho rau gần hàng rào những gói đồ ăn ngon và cả gói thuốc Samit của Thái. Đó là lần đầu tiên tôi được thưởng thức cái ngất ngây của thuốc lá có tẩm thuốc phiện. Không biết nó lấy tiền ở đâu mà mua những thứ mắc tiền đó.

Rồi tôi cũng được thả, sau 3 năm. Khi tôi ở tù về, ra thăm nhà thằng em thì thấy sau nhà nó giấy bay tơi tả khắp nơi trong miếng ruộng khô sau nhà nó. Tôi lụm lên xem, thì ra đó là những tờ từ những cuốn sách của tôi đã mua và gìn giữ bao năm, giờ trở thành giấy chùi đít ỉa đồng cho gia đình nó.  Sách của triết gia Kim Định, các cuốn tạp chí Phương Đông… Tôi vào nhà nó, tính than phiền, thì thấy nó đang trụng nước sôi nhổ lông con gà mái đẻ duy nhất để đãi tôi mới được ra tù, tôi than phiền làm sao được nữa.

Nó chí thú làm ăn mà vẫn đói. Đường tu hành của tôi cũng đứt. Không thể làm linh mục sau khi bị tù vượt biên. Những thầy không chịu bỏ đàn chiên mà đi còn vô vọng, huống gì tôi.  Tôi lo làm ruộng, đi lưới thúng tả tơi. Một bữa, tôi thấy cần một cái thuyền thúng mới, tôi lên núi Tà Cú chặt tre, nhưng không có vì người ta chặt trụi cả rồi; bèn tìm đường lên Bắc Ruộng, có ông dượng ở đó chặt tre giùm và chẻ, vót thành hai bó nan lớn, đủ để làm một cái thuyền thúng. Khi tôi thồ hai bó nan tre từ thị xã Lagi về làng, có người quen biết thấy, ngạc nhiên, nói lớn: ”Ủa, tưởng thầy Nam đi được rồi! Thằng Bắc đi lọt rồi!” Tôi biết Bắc nó thương tôi, nhưng nó vẫn tuyệt đối giữ bí mật chuyện chính nó đứng ra tổ chức vượt biên của nó. Và nó cùng mấy đứa em tôi cùng các người cộng sự với nó đi lọt. Vợ, con nó, nó đành bỏ lại vì vợ sợ không dám đi. Tôi ngỡ ngàng, tôi cay đắng, tôi tuyệt vọng. Lại bắt đầu những ngày tháng gian khổ. Mừng cho em, mà ấm ức cho mình.

Rồi tôi sống ẩn tu trong một chòi tranh trong rẫy xa, nhưng rồi chán quá, chán hơn cuộc đời đáng chán ngoài kia, và những thánh vịnh tôi đọc để răn lòng không át được những dòng thơ Phạm Thiên Thư tiêu sái, Nguyên Sa tân kỳ, Nguyễn Tất Nhiên trẻ trung, thơ Nguyễn Bính chân quê.

Tôi về nhà và lấy cái chị môi trầu, má đỏ trên kia.

Khi Bắc qua được trại tị nạn ở Osaka, Nhật Bản, không biết nó kiếm đâu ra tiền mà gởi ngay cho tôi một bộ đồ tây lồng trong hộp với mặt trên gói giấy kiếng trong: quần tây sợi dệt chéo, màu xám sáng và một cái áo sơ mi màu vừa cam vừa hồng, hoàn toàn đối chọi với cái màu xám xịt, thê lương đang phủ lên xóm làng tôi. Lại còn thơm dìu thơm dịu, mùi Việt kiều, có đâu như mùi đồng lầy, đồng lội thúi rình ngay trước cửa nhà tôi đây thôi.

Cuối cùng đến lượt tôi và gia đình cũng vượt biên được từ Cà Mau, và đưa được cả vợ, con thằng em theo. Và đưa cả một lô cháu khác. Tôi bản tính hay thương cháu.

Nhờ vượt biên được, và cách này cách khác, gia tộc tôi có 70 người ở Na Uy. Tính ra thì những đứa cháu chính tôi đưa qua, lấy vợ lấy chồng, sinh con, lên cả 40 người, nghĩa là hơn thằng Bắc 10 người. Đứa nào cũng làm ăn khá giả hơn tôi chỉ đủ sống qua ngày. Chúng nó như thằng Bắc. Bắc qua Na Uy là nó lao ngay đi làm việc, việc tay chân mà lương khá, còn tôi đi qua Na Uy sau nó 5 năm, rồi còn dùng 5 năm học đại học, học môn chẳng thể làm ra tiền. Nó giàu, tôi nghèo là chuyện đương nhiên. Do đó nó gởi tiền về giúp cha mẹ tôi nhiều hơn tôi.

Một lần tôi về Việc Nam, cha tôi nói trong bữa tiệc có các chị, tôi, các em, các cháu ở Việt Nam lẫn Na Uy: ”Tụi bây ở Na Uy phải nhớ ơn cậu Bắc. Cậu Bắc là tổ phụ của tụi bây, như tổ phụ Abraham, đã đưa tụi bây qua miền đất hứa.” Mọi người đều vỗ tay vì câu nói đầy ý nghĩa của cha tôi, và cám ơn tổ phụ Bắc dù tổ phụ lúc đó chỉ mới 25 tuổi và đang ở Na Uy.

Chúng tôi qua bên này, nhà ai nấy ở, gia đình ai nấy lo, chẳng mấy khi gặp nhau. Tôi gặp rắc rối chuyện gia đình, vợ rồi đến con. Ai cũng cho mình có lý, ai cũng sở hữu chân lý, ngoại trừ thằng cha ”khùng nặng” là tôi. Đây là nhận định của tuyệt đại đa số thân thích của tôi ở Na Uy. Tôi suy nghĩ và nghiệm ra một điều rằng tôi là người từ nhỏ đến lớn không ai ưa thích được, ví dụ, hồi tôi đi tu, thường thì những chủng sinh đi tu được một cha xứ nhận làm nghĩa tử; tôi học giỏi, cao ráo, ngon lành, nhưng chẳng cha xứ nào muốn nhận, trong khi bạn tôi, nó thua tôi xa mọi mặt, lại được một vị tổng giám mục nhận làm nghĩa tử; danh giá quá trời! Có một bữa, có một ông cha hỏi tôi đã có cha nào nhận làm nghĩa tử chưa sau khi tôi dịch một bài suy niệm tiếng Pháp ra tiếng Việt, đưa cho ngài và được ngài khen là dịch hay, tôi trả lời chưa, và tưởng ngài sẽ nhận tôi làm nghĩa tử, nhưng chuyện đó không xảy ra. Rồi hồi tôi dạy ở chủng viện, có một ông cha phó giám đốc chủng viện trẻ, tôi nhấn mạnh là trẻ, tốt nghiệp từ Giáo Hoàng Học Viện, Đà Lạt, một trường chỉ dành huấn luyện những đại chủng sinh ưu tú, thế mà hễ gặp tôi là ông ta cứ kè nhè chỉ trích, chê bai một điều gì đó như một mụ đàn bà nhà quê lắm chuyện, hoặc chê bóng, chê gió tôi trước mặt các thầy khác như là: có thầy sau khi dạy xong một giờ chẳng hề thấy vào viếng Thánh Thể* (chính là tôi, dù chuyện này không bắt buộc), có lúc ổng chỉ vào chiếc quần tôi đang mặc, chê thẳng: ”Quần thầy mặc sao dơ vậy, dính đầy bụi đỏ. Thay cái khác đi!”, cũng trước mặt các thầy khác, nhưng thực ra cái quần ấy tôi mới may từ loại vải khi thì óng ánh kim tuyến, khi thì đỏ màu bụi đường tuỳ góc nhìn của người nhìn, vải của ông bác mới đi tàu buôn từ Hồng Kông về mua cho tôi, và tôi mới giặt và thay hồi sáng. Ông cha phó giám đốc ấy cứ khó chịu, nhăn nhó với tôi mãi như thế, đủ mọi thứ chuyện. Lạ chưa!  Hình như nơi tôi có vẻ gì đó ngang ngạnh, lấn cấn, vô duyên, kiểu vô duyên đối diện bất tương phùng, làm cho mọi người nhẹ thì cười ruồi, vừa thì tránh xa, nặng thì chửi thậm tệ bởi những đứa du côn, cay độc bởi những đứa nho nhã, rồi tránh xa sau khi chửi. Tới nay cũng vậy, chẳng ai ưa tôi. Nhưng tôi thấy điều này cũng được thôi vì tôi bản tính không thích người, và nghiệm thấy người là một cái gì đó phiền toái, mệt mỏi. Tôi còn nhớ là ngay hồi 3, 4 tuổi gì đó, thay vì ra ngoài chơi với những đứa con nít khác, tôi chỉ thích ngồi một mình trong nhà nhìn nắng nhảy nhảy trên những đụn cát trắng trước nhà, hay nhìn mưa rơi chảy thành giòng từ mái nhà xuống trước hiên nhà, trông như bức mành mành kết bằng những sợi thuỷ tinh lỏng, hoặc thích ngồi trên nền nhà cát lấy tay gở những vết mụt ghẻ lớn như đồng tiền đã đóng vảy cho chảy máu, rồi bốc cát biển (nhà tôi gần biển) thả thành giòng lên những vết thương, một mình nhìn vết thương thấm cát và thấy tâm hồn an ổn. Sau này lớn lên, có gia đình, bị tâm thương nhiều lần, dưới nhiều hình thức, tôi lại dùng những trang sách tôi đọc trong phòng riêng: sách kinh thánh, thánh hiền cũng có, sách đạo tặc, tà dâm cũng có, tất cả như những giòng cát thuở ấu thơ vỗ về vết thương lòng tôi. Chúng là bạn tôi, chứ không phải cái giống loài người sát tôi, quanh tôi.

Chúng tôi qua bên này, nhà ai nấy ở, gia đình ai nấy lo, chẳng mấy khi gặp nhau, có kẻ, có đứa cả mấy chục năm không muốn gặp tôi, ví dụ, những đứa cháu mà tôi đã liều mạng đưa đi vượt biên, tranh từng ngụm nước, cục cơm, đưa thân che chắn mưa gió cho cháu, cả khi chúng cưới hỏi, chúng cũng không thèm mời tôi. Thiệt là chuyện quái đản. Nhưng bây giờ tôi không thấy gì là quái đản nữa; tôi nhận ra rằng tôi có cái vía làm người ta tránh xa. Lúc này tôi cảm ơn Ông Trời đã khoác cho tôi cái vía ấy. Mất thời gian với người mà làm gì! vì loài người là cái giống ác độc, giả hình giả chước, là địa ngục cho người khác, như cái ông Tây nào đó phán, phán thiệt đúng.

Khi tôi viết những giòng hiện sinh này nửa đêm, một mình, thì bỗng có tiếng của Bắc, thằng em trai, mấy năm nay chưa gặp, chưa điện thoại một lần, gọi. Nó cười hề hề, cái hề hề của một gã đàn ông đã và đang thoả mãn, đã và đang vui thú, và cần phải chia sẻ với ai đó để cho sướng thêm. Nó hỏi tôi đang làm gì. Tôi nói tôi đang viết văn để kịp đóng góp cho số báo xuân. Nó bảo: ”Văn anh viết chán phèo, thiếu kinh nghiệm sống, toàn trách người hận đời làm gì cho mệt không biết!”, và nó bảo nó đang nghỉ Tết Tây ở Phukhet, Thái Lan, và bảo tôi dẹp hết, mua vé máy bay xuống đây mà hưởng lạc thú trên đời: biển xanh, nắng ấm và những thân hình man dại, và biết đâu tìm được thi hứng, văn hứng mới (chữ của nó, ít gì nó cũng đọc chút ít sách của tôi trước khi biến chúng thành giấy vệ sinh). Trên đó giờ lạnh bỏ mẹ, lại còn tối tăm, và mấy mụ vợ đã nhăn nheo, teo, xệ mà còn chua ngoa. Fuck them all!

Mẹ, cái thằng sao nói như thể đang cầm đèn pin cực sáng chui vào và rọi từng ngõ ngách, xó xỉnh cái óc rối beng, sùng sục của tôi! Sẵn làm phụ trộidịp Giáng Sinh được hơn chục ngàn, tôi mua vé bay xuống Phukhet Beach* ngay ngày hôm sau.

Sau hai tuần Phuket Beach ấy, tôi phải công nhận cha tôi nói đúng: ”Cậu Bắc là tổ phụ của tụi bây, như tổ phụ Abraham, đã đưa tụi bây qua miền đất hứa.” Bây giờ thằng Bắc còn là tổ phụ Abraham của tôi vì đã thực sự dẫn tôi vào ”miền đất hứa chảy sữa và mật ong”. Vậy mà bấy lâu nay tôi có hơi phật lòng khi cha tôi trong bữa tiệc năm ấy không nêu tôi vào danh sách các đấng tổ phụ của gia tộc hiện tại của chúng tôi.

Tổ phụ Bắc là người đầu tiên tôi gởi lời chúc Tết Kỷ Hợi năm nay.

Oslo, Tết Kỷ Hợi, 2019

* Bible de Jérusalem:  là cuốn Kinh Thánh, được dịch và chú giải, dưới sự chủ trì của Viện Kinh Thánh và Khảo cổ Pháp ở Jerusalem (Do Thái), (l’École biblique et archéologique française de Jérusalem), một viện giảng dạy và nghiên cứu siêu đẳng dưới sự điều hành của dòng Đa Minh. Bản Kinh Thánh này, tới nay vẫn chưa có bản nào qua mặt được.

*Le livre de poche: Sách bỏ túi.

*L’Anglais sans peine: Tiếng Anh không khó: Một cuốn sách dạy tiếng Anh bằng tiếng Pháp.

*calorie: nhiệt lượng.

*Thánh Thể: Mình Thánh Chúa Giêsu: Tấm bánh tròn, mỏng, làm bằng bột mì mà khi được linh mục truyền phép trong thánh lễ như Chúa Giêsu dặn dò trước khi chịu tử nạn, thì Chúa Giêsu sẽ ngự xuống trong đó. Ngoài chuyện các giáo dân rước Thánh Thể vào lòng, Thánh Thể ấy còn được đặt trong Nhà Tạm có hình cái hộp nhỏ, hay mẫu nhà nhỏ nơi cung thánh, tức là Chúa Giêsu luôn luôn ở với con người – Người Công giáo tin thế – Người Công giáo đạo đức viếng Thánh Thể là vì vậy.

*Phuket Beach: Bờ biển Phuket.

Cổ Thành

Tháng Mười Hai 16, 2018 / Nguyễn Oslo / Edit

Xin mời quý vị nghe bài Cổ Thành do mình phổ thơ của Khánh Hà. (Mình thêm lời cho tiểu khúc 4 cuối cho bài nhạc được cân đối)

Quê hương chúng ta: đền đài, miếu mạo, thành luỹ đều nhỏ. Nhỏ như cổ thành Diên Khánh, nhưng nó vẫn trở nên vẫn trở nên vĩ đại khi nơi ấy là quê hương của một lịch sử oai hùng mà khốn khó, của một tình yêu đầu đời mà son sắt, gắn bó. Người con gái xa quê hương vạn dặm vẫn nhớ về cổ thành xưa và nhắn người tình cũ giữ hộ chốn xưa thân ái ấy. Cổ thành xem ra cũng là Đất Nước.

CỔ THÀNH

1: Giữ hộ Dem một Ggóc cổ thành Bờ biển Emxanh dạt A7dào con sóng Dvỗ Hàng thuỳ Gdương vi /Gvu trong lòng Dgió Bản tình Emca bất A7tận2 thửa vào Dđời 2. Giữ hộ Dem tiếng Gchuông( ngân nhà Dthờ Cùng tiếng Emchuông ngôi A7chùa trên đồi Dvắng Hàng phượng Gxanh mùa A7hè đỏ Dthắm Những chòm Emcây rực A7rỡ muồng hoa Dvàng

ĐK: Còn không /Danh– Còn không Danh, con đường tịch Gmịch hai hàng cây-tình A7tự– giữa trưa Dêm

Ngày trôi Dqua – Đời trôi Dqua, chúng tà đà Ggià Cổ thành vẫn-sừng A7sững– trong- lòng Danh?

3: Về đi Danh2 lại Gthắp vầng trăng Dmình Trổi với Emem khúc A7nhạc muôn đời Dbiển Và cùng Gnhau đánh Gthức rặng thuỳ Ddương để lại Emnghe lời A7hát tình ban Dđầu

4. Về đi Danh mộng Glớn lồng tách Dtrà Nhìn với Emem mây A7hồng giăng đầu Dnúi Rồi cùng Gnhau thách Gthức dòng thời Dgian Cổ Thành Emthôi lẻ A7bóng, trời chia Dđôi

Ca khúc NVThực: Tình gần, phiên bản 2

Bài thơ:

TÌNH GẦN

Nguyễn Văn Thực

Trời bình thường tiếng chim bay ngang nhà
Ngàn ưu phiền lòng mở cửa cho ra
Ngàn ưu phiền một thoáng cũng bay xa
Bay xa chiều xuống mang theo tình gần.

Trời bình thường nắng hắt ngang mái nhà
Ngày an lành lòng sách cũ hương xa
Ngày an lành mặc áo mới đeo hoa, đeo hoa ngày sau

Tôi dâng em nụ cười chưa tươi, nụ cười chơi vơi
Tôi dâng em, dâng em nụ hồng long đong từ tấm lòng từ bi

Ngày bình thường tiếng thơ quanh hương người
Người thương người ngày đắng đót chưa vơi
Người thương người cười khúc khích đêm trôi
Đêm trôi ngày tới mang theo lòng trời

Ngày bình thường tiếng chuông treo trên cành
Cành nhân tình giòng suối mát buông lơi
Cành nhân tình lòng thống hối quên nhanh
Quên nhanh tội lỗi ham mê tình gần

và bài hát: TÌNH GẦN

 

 

 

Ca khúc NVThực: Tình Gần

Bài thơ:

TÌNH GẦN

Nguyễn Văn Thực

Trời bình thường tiếng chim bay ngang nhà
Ngàn ưu phiền lòng mở cửa cho ra
Ngàn ưu phiền một thoáng cũng bay xa
Bay xa chiều xuống mang theo tình gần.

Trời bình thường nắng hắt ngang mái nhà
Ngày an lành lòng sách cũ hương xa
Ngày an lành mặc áo mới đeo hoa, đeo hoa ngày sau

Tôi dâng em nụ cười chưa tươi, nụ cười chơi vơi
Tôi dâng em, dâng em nụ hồng long đong từ tấm lòng từ bi

Ngày bình thường tiếng thơ quanh hương người
Người thương người ngày đắng đót chưa vơi
Người thương người cười khúc khích đêm trôi
Đêm trôi ngày tới mang theo lòng trời

Ngày bình thường tiếng chuông treo trên cành
Cành nhân tình giòng suối mát buông lơi
Cành nhân tình lòng thống hối quên nhanh
Quên nhanh tội lỗi ham mê tình gần

và bài hát: TÌNH GẦN

 

 

 

Ca Khúc Trường Sơn Quỷ Lộ

Xuân Vũ viết Đường Đi Không Đến; Dương Thu Hương có Tiểu Thuyết Vô Đề. Hai tác giả cùng viết về Đường Trường Sơn, còn gọi là Đường Mòn Hồ Chí Minh. Nét văn chương tuy khác, nhưng hai nhà văn đều viết về sự huỷ diệt lớp lớp tuổi trẻ trên con đường và cũng là địa ngục ấy. Nhưng những thanh xuân ấy, họ thực sự cần gì? Câu trả lời nằm trong ca khúc dưới đây.

Ngoài ra, ca sĩ Crina Ngọc Anh hát theo âm tiếng Việt phổ thông, chứ không hát theo giọng Bắc vốn đã trở thành giọng tiêu chuẩn khi hát tân nhạc Việt, ví dụ, Trường Sơn hát ra Chường Xơn.

 

Ca khúc Trường Sơn Nằm Xuống

Mời quý bạn nghe ca khúc mới TRƯỜNG SƠN NẰM XUỐNG do mình viết.

Bài này cảm hứng từ một phân cảnh trong cuốn Tiểu Thuyết Vô Đề của Dương Thu Hương: Một anh bộ đội lạc đường ở núi rừng Trường Sơn và biết mình sẽ chết, nhưng trước khi chết đã ghép cho mình một ngôi mộ bằng đá hầu ngăn thú dữ tha xác mình, và nằm vào đó chờ chết và nhớ mẹ mình, cứ lo không có ai lợp cho mái tranh cho mẹ. Tất cả những điều này anh ta ghi lại trong cuốn nhật ký được gói kỹ trong bao ny lông chôn theo mình.

Chiến tranh đã qua lâu rồi, nhưng bao cõi lòng vẫn còn chảy máu tận thiên thu.

Xin mmở link sau đây:

Những bài thơ lẻ – Nguyễn Văn Thực

Nhân được bạn tặng sách*
https://cafebiz.cafebizcdn.vn/thumb_w/600/2018/photo1516027473952-1516027473952.jpg
Nhận sách tặng chiều đông
Quê hương len vào lòng
Thì thầm tiếng thương cũ
Ngàn năm vẫn chưa buông
Đây những trang sách khổ
Dựng nước của những người
Đây những trang sách khổ
Phá nước của những người
Bạn ta xa cố  thổ
Đã mấy chục năm trời
Phương Nam còn ngoái cổ
Cuối đời kêu khôn nguôi

 

* Anh Phạm Phú Minh, chủ bút Trang nhà Diễn Đàn Thế Kỹ, khi mình nhờ anh mua cuốn Khi Đồng minh Nhảy vào của Nguyễn Tiến Hưng, anh gởi cho. Nhiều lần nhờ anh mua sách, bao giờ anh cũng cho, dù anh nghèo. Anh cũng là người in miễn phí tập truyện Người Thích Nhìn Vú  và cuốn truyện dịch Bên Giòng Sông Hằng do mình dịch.

 

Ta Thương Ta

https://lh4.googleusercontent.com/-Koy5adPmZfY/VjuEwnDALwI/AAAAAAAABC8/qGX_HBKWYiU/s1600/bo-anh-bai-cat-vang-tuyet-dep-%2B%25285%2529.jpg

 

Mọi sự vốn vô thường

Nhắn ai về quê không

Nắng vàng tan ngày hạ

Cát vàng trôi biển đông

 

Một mình cắn cánh hồng

Nhìn trời đất mênh mông

Ta về ta tàn tạ

Ta thương ta thật lòng

 

Đời ta nghèo ngày tháng

Cắt nát những tình hờ

Đời ta xanh tàu lá

Hút máu những tình cờ

 

Cuối năm hay cuối đời

Thì ra cũng thế thôi

Đầu năm hay đầu đời

Thì cũng thế mà thôi

 

Ta về ta tàn tạ

Ta ôm ta nụ hồng