BTT 8 – Cố vấn Ngô Đình Nhu

NGODINHNHU

C. CUỘC GẶP GỠ Ô. NGÔ ĐÌNH NHU, CỐ VẤN CHÍNH TRỊ CHO TỔNG THỐNG

80. Ô. Ngô Đình Nhu, Cố vấn của Tổng thống, thảo luận Vấn đề Phật giáo trong bối cảnh chính trị, kinh tế, tôn giáo. Ông ta nói tiếng Pháp. Bản tiếng Anh dưới đây dịch theo từng chữ bản thâu âm lời tường trình của ông:

Ô. CỐ VẤN: Vấn đề chính mà chúng tôi đang phải đối diện là vấn đề kém phát triển, vấn đề này vốn phổ biến trong nhiều nước như nước chúng tôi. Vấn đề Phật giáo chỉ là một phương diện của vấn đề kém phát triển này. Những phong trào tôn giáo, chính trị, xã hội đã mọc lên nhiều đáng kể sau khi Nước chúng tôi trở nên độc lập, nhưng lại thiếu cán bộ trong những phong trào này và trong Chính phủ. Chính phủ đã buộc phải tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia trong trong mọi lãnh vực (quản trị, giáo dục và vv) nhưng những người ngoại quốc này mang theo ý thức hệ của chính họ, và sự hiện diện của họ trong các cơ quan công quyền Việt Nam có cả lợi lẫn hại và là nguồn gốc của sự đụng chạm. Một tình trạng y như thế cũng chiếm thế thượng phong trong Phong trào Phật giáo. Phật giáo mở rộng quá rộng, nhưng cán bộ (tăng lữ) lại không có khả năng thích đáng, sự thể này thế nào cũng dẫn tới những sai lầm. Tôi đã ngẫm nghĩ ra rằng đường lối được Chính phủ Việt Nam thi hành cũng đã và đang chịu những sai lầm không thể tránh khỏi. Vấn đề tự do không phải là vấn đề duy nhất dân tộc Việt Nam phải giải quyết; vấn đề chính là vấn đề công bằng. Quần chúng phải được động viên trong việc kỹ nghệ hóa nước nhà; nhưng bao lâu những đặc quyền đặc lợi chính trị, kinh tế, xã hội chưa bị thanh toán, sự kỹ nghệ hóa đó sẽ trở nên bất khả. Những vấn đề quân sự, chính trị không thể tách rời khỏi vấn đề xã hội. Tất cả mọi nước kém phát triển đều có vấn đề của chúng, những vấn đề đối với cả bạn bè lẫn với kẻ thù.

Nếu qúy Ngài có vấn đề gì cần hỏi tôi, tôi sẽ hân hoan trả lời những câu hỏi đó trong khả năng có thể của tôi.

TRƯỞNG PHÁI BỘ: Ông vừa nói rằng Vấn đề Phật giáo là một vấn đề của sự kém phát triển. Ông nói như thế là thế nào? Có phải ông có ý nói rằng đoàn thể Phật giáo kém phát triển hơn các đoàn thể khác?

Ô. CỐ VẤN: Vấn đề Phật giáo khởi phát từ những ngày cuối cùng của thời kỳ thuộc địa và ngay cả một ít thời gian trước Đệ nhị thế chiến. Không phải chỉ có Phật giáo, các tổ chức chính trị, tôn khác, đặc biệt Khổng giáo, cũng có những vấn đề của riêng họ. Thời kỳ này được đánh dấu bởi sự thức tĩnh của các dân tộc Á Châu được khích thích bởi đường lối chính trị của Nhật Bản. Đường lối chính trị của chủ nghĩa Hitler và của ý thức hệ phát xít đã thức tĩnh các dân tộc Châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Gần như tất cả mọi đảng phái Việt Nam, những đảng cố xây dựng trong vòng bí mật đã chịu ảnh hưởng không nhiều thì ít ý thức hệ phát xít. Và cũng trong thời kỳ này xảy ra sự chấn hưng tôn giáo. Điều xảy ra lúc đó chính là sự xác lập một tính cách Việt Nam và xác lập một chỗ đứng của Việt Nam trên thế giới. Trong trường hợp Phật giáo, sự chấn hưng trở nên không đáng kể vào những ngày tàn của của thời kỳ thuộc địa. Có nhiều lý do giải thích cho chuyện này: theo truyền thống, nguyên tắc tự trị của các chùa chiền đã cắm rễ sâu trong Phật giáo Việt Nam; mỗi chùa là đại diện cho một giáo đoàn riêng biệt, và các vị sư tụ trì tại mỗi chùa và các thiện nam tín nữ làm thành một đoàn thể biệt lập. Giáo lý Phật giáo và tính cách đặc thù Việt Nam là nguồn gốc trong tiến trình của sự phân tán này. Liệu người dân có biết được điều này hay không, thì vẫn cứ còn những vấn đề nghiêm trọng cần giải quyết, và chẳng có bằng chứng gì cho thấy Phật giáo có thể tiếp tay để cùng giải quyết những vấn đề đó. Cuộc chiến đấu giành độc lập có nghĩa là có đấu tranh vũ trang và có đổ máu; nhưng Phật giáo lại dạy người ta lòng từ bi và bất bạo động; như thế, làm sao Phật giáo đó có thể làm cho một người say mê lý tưởng* trở thành một người có khả năng huy động một phong trào chống thuộc địa. Người dân có biết điều này hay không, Việt Nam vẫn phải được kỹ nghệ hóa; trong Đệ nhị thế chiến, khi Việt Nam bị phong toả vì sự chiếm đóng của Nhật, rõ ràng là Việt Nam chẳng chế tạo được gì; đó là một khoảng trống kỹ nghệ. Sự kiếm một người dấn thân cho lý tưởng có khả năng tập trung mọi nỗ lực Quốc gia trong công cuộc kỹ nghệ hóa, đã bắt đầu. Vấn đề hôm nay đối với Phật giáo cũng như thế: làm sao Phật giáo Việt Nam có thể đáp ứng được nhu cầu đấu tranh chống Cộng sản và nhu cầu đấu tranh để kỹ nghệ hoá? Những nan đề này bao hàm cả những vấn đề phi tôn giáo mà các nước kém phát triển phải đối đầu; những nước này cần một người dấn thân cho lý tưởng có khả năng liên kết Đông-Tây. Phật giáo có thể nâng mình lên đảm trách trách vụ khẩn thiết này được không? Chính trong những hoàn cảnh như thế sự chấn hưng Phật giáo bắt đầu xuất hiện. Những vấn đề này đã xuất hiện vào năm 1933. Khi đó tôi ở Paris, và vấn đề của những người da màu bắt đầu được nói tới; chúng tôi đã thiết lập những nhóm liên chủng tộc để nghiên cứu những vấn đề của một tương lai sắp tới. Từ năm 1945 trở đi, những ý tưởng này được đem ra thử nghiệm một cách gắt gao. Phong trào đấu tranh giành độc lập phải nằm dưới sự kiểm soát của Cộng sản; tất cả những lực lượng quan yếu bị Cộng sản khống chế; cả nguyên tắc liên kết mà đa nguyên, lẫn những điều lệ dân chủ đều không thể áp dụng được. Chúng tôi phải đoàn kết mọi lực lượng để chống lại chủ nghĩa thực dân. Chính vào lúc này Phong trào Phật giáo xuất hiện; vấn đề liệu người ta nên theo hay nên chống chủ nghĩa Cộng sản, lúc ấy, được bàn cãi kịch liệt. Vào lúc đó, một phong trào chấn hưng Phật giáo, và một phong trào tương tự của Công giáo, được thành lập. Những tổ chức này hoạt động rất mạnh, đặc biệt ở Miền Bắc và Miền Trung của Đất Nước này, bởi vì những tổ chức này bị Cộng sản ép vào đoàn thể và bị động viên vào cuộc đấu tranh mà Cộng sản nắm đầu. Ở Miền Nam cũng có phong trào tôn giáo cùng loại nhưng trong một bối cảnh khác; phái Hòa Hảo và Cao Đài được Quân đội viễn chinh Pháp trang bị vũ khí để chống Cộng sản. Những điều tôi vừa trình bày giải thích chuyện tại sao Phật giáo đã lan rộng đáng kể nhờ phong trào đấu tranh giành độc lập. Tất cả những phong trào này là những tiến trình lịch sử mang tính tự phát bởi vì chúng có liên quan với tới sự xác lập tính cách Quốc gia của Việt Nam. Mọi người cố gắng hết sức để tìm cách tự xác lập chính mình – trong lãnh vực tôn giáo, tín đồ Phật giáo xác lập mình là tín đồ Phật giáo, tín hữu Công giáo xác lập mình như tín hữu Công giáo, và trong lãnh vực chính trị, các đảng chính trị xác lập mình như đảng của người Việt Nam. Dẫu sao đi nữa, sự xác lập tính cách này lại bị giới hạn bởi cả chủ nghĩa thực dân lẫn chủ nghĩa đế quốc. Tình trạng hiện nay chỉ là sự nối dài những điều tôi vừa liệt kê ra. Phật giáo là một phong trào lành mạnh của một tổ chức đượm tính xã hội được thiết lập dưới thời thuộc địa và phong trào này đang kiếm cách để phát triển dưới hoàn cảnh của thời kỳ giải thực. Phong trào Phật giáo là một phong trào lành mạnh, nhưng nó đã lớn lên trong những hoàn cảnh không thuận lợi. Nó phải chịu sức ép từ cả Đông lẫn Tây; mỗi ý thức hệ đều kiếm cách xoay Phong trào Phật giáo này vào con đường có lợi cho ý thức hệ đó.

Tình trạng là như thế theo quan điểm của giới sử gia và các nhà nghiên cứu xã hội. Góc nhìn của Chính phủ lại khác. Chính phủ thì vốn phi phái, và sự liên hệ của Chính phủ với các tôn giáo dựa trên những suy tư phi tôn giáo. Việt Nam là một nước kém phát triển muốn hiện đại hóa mình, mà lại phải giải quyết một số vấn đề trong tiến trình hiện đại hoá này; Việt Nam phải vận động quần chúng vào nỗ lực chiến tranh (vì chúng tôi bị ép phải chiến đấu) và vào sự kỹ nghệ hoá vốn thiết yếu cho sự tiến bộ. Nhưng người ta phải thực tế: Phật giáo đã bị quấy nhiễu và bị lợi dụng bởi cả Đông lẫn Tây. Chính phủ không theo đuổi một chính sách chống Phật giáo, nhưng chính Phật giáo bị phiền não vì những vấn đề nội bộ: lực lượng của cả Đông lẫn Tây hoạt động ngấm ngầm trong tất cả mọi tổ chức. Ngay Chính quyền và Quân đội cũng bị những ý thức hệ ngoại lai mai phục; đây là một tất yếu lịch sử phát xuất từ vị trí địa-chính-trị của Việt Nam. Hoa Kỳ cao rao tự do như là một giải pháp chung cuộc cho cho sự kém phát triển. Nhưng tự do không phải là sự giải phóng. Sự giải phóng mà Cộng sản cao rao không phải là tự do. Một nhà giải phóng không đương nhiên là một người khoáng đạt và một người khoáng đạt không nhất thiết là một nhà giải phóng. Ở đây chúng tôi phải trực diện với một lưỡng nan đề. Những người anh em Phật tử của chúng tôi cùng đồng hội đồng thuyền với những đồng bào khác. Viện trợ của Hoa Kỳ vốn rất có giá trị cho chúng tôi, lại chứa đựng hạt giống mục ruỗng; bằng cách nào người ta có thể mang sự tự do ra để vận động dân chúng mà vẫn không bao hàm một sự kìm hãm những đặc quyền của họ? Trái lại, chúng tôi đang bị đòi hỏi phải giữ những đặc quyền đó lại, trong khi đòi chúng tôi phải tiến bộ; đúng là chuyện thần thoại.

* Trong nguyên bản Anh ngữ vẫn giữ chữ tiếng Pháp le mystique mà le mystique ở đây không có nghĩa là nhà thần bí mà là: Personage qui adhère avec une passion extrême à un idéal artistique, politique, social: Nhân vật tán đồng với một sự đam mê tột cùng một lý tưởng nghệ, lý tưởng chính trị, lý tưởng xã hội. (www.cnrtl.fr/definition/mystique) (ND)

TRƯỞNG PHÁI BỘ: Ngài nêu ra rằng bất bạo động là một nguyên lý của Phật giáo. Dẫu sao đi nữa chúng tôi cũng đã đọc trong nhiều ấn phẩm rằng các đoàn thể Phật giáo bị tố cáo về những hành vi bạo động. Ngài có thể cho chúng tôi một sự giải thích nào đó được không?

Ô. CỐ VẤN: Trong mọi cuộc chấn hưng nào cũng có sự quay về thủa ban đầu. Nếu Phật giáo muốn quay về thủa ban đầu của Phật giáo, thì sự quay về nguồn này là công việc của một số nhỏ những thánh nhân đích thực, mà nhiệm vụ của các vị đó là nói cho chúng tôi, những kẻ đang tiến hành một cuộc chiến tranh và đồng thời phải phấn đấu cho sự kỹ nghệ hoá, các vị đó sẽ nhắc nhở chúng tôi, những người đang đổ mồ hôi sôi nước mắt trong bùn lầy rằng có một lý tưởng cao cả phát xuất từ những giá trị tinh thần, từ sự thiền định, có một sức mạnh có thể bẻ gẫy phản ứng giây chuyền của chủ nghĩa duy vật. Đấy là sứ vụ của tôn gíao. Nhưng trong tình huống lịch sử của Việt Nam Phong trào Phật giáo đã đi trệch khỏi đường đi của chính mình. Phong trào Phật giáo đã tự dấn mình vào con đường phục vụ những mục đích chính trị đến độ Phong trào đã ôm ấp tham vọng lật đổ Chính phủ này. Có nhiều lý do dẫn tới cơn bệnh tinh thần này, cơn bệnh này đã đưa những nhà lãnh đạo Phật giáo đến sự sai lầm tai hại này. Cơ bản mà nói, Phật giáo đang sa vào lưỡng nan đề (nhưng chỉ ở Nam Việt Nam). Phật giáo không còn là thuần Phật giáo nữa nếu Phật giáo trở thành một lực lượng chính trị; đây đang là một mâu thuẩn căn bản ở Việt Nam. Các Phật tử đã và đang khổ sở vì mối mâu thuẫn này. Họ đã và đang thấy các phong trào tôn giáo khác lan rộng; từ sự kiện này họ suy diễn ra rằng tất phải có một cái gì đó đang đè nén họ. Những tôn giáo khác – Hồi giáo, Kytô giáo – tự giải quyết những vấn đề mỗi ngày của họ. Phật giáo không được hình thành như thế; đó là một tôn giáo hoàn toàn thoát ly cuộc đời. Khi thấy các tôn giáo phát triển, các Phật tử kết luận rằng họ bị bức hại. Bọn Cộng sản đã tổ chức những cuộc cải đạo và theo đạo Công giáo cho cả toàn làng, và dùng chuyện cải đạo như thế để che dấu sự xâm nhập của Cộng sản vào Đất Nước này. Khi những người Phật tử thấy cả làng theo Kytô giáo như thế, họ nghĩ là vì có sự ép buộc nào đó từ phía Chính phủ. Nhưng khi người ta đọc được tài liệu, hẳn người ta Chính phủ rất lo lắng trong chuyện theo đạo Công giáo tập thể như thế và không khuyến khích họ làm như vậy dưới bất cứ hình thức này vì có Cộng sản mai phục dưới đáy chuyện theo đạo Công giáo tập thể như thế. Điều này đã gây nhiều tai hại cho chúng tôi trong năm 1960 khi cuộc chiến tranh lật đổ chính quyền khởi sự; những làng này đã chiến đấu chống lại chúng tôi. Chính phủ Tổng thống Diệm đã đụng độ gay gắt với chính hàng giáo phẩm Công giáo Việt Nam về những cuộc trở lại đạo Công giáo tập thể như thế. Lực lượng an ninh của chúng tôi theo dõi những làng này kỹ hơn những làng khác. Nhưng điều quan trọng nhất là những người Phật tửvlại coi phong người di cư tị nạn Cộng sản như là một bằng cớ cho thấy Chính phủ khuyến khích giúp đỡ người Công giáo, chứ không khuyến khích giúp đỡ người Phật tử bởi vì trong số một triệu người di cư tị nạn có tới 700 000 người Công giáo. Những người Phật tử cho rằng đó là vì Tổng thống VNCH là Công giáo; họ không hiểu rằng đó chẳng qua là vì cơ cấu tổ chức: Công giáo được tổ chức qui cũ hơn trong những vấn đề đời, trong khi Phật giáo lại phân tán và thiếu sự tổ chức. Vào lúc đó Chính phủ Tổng thống Ngô Đình Diệm còn yếu, và Chính phủ trước đã lấy hết mọi tiền bạc. Ngân khố Quốc gia chỉ đủ để trả lương cho nhân viên Chính phủ trong một tháng. Các bộ trưởng không được lãnh lương. Vợ tôi phải nuôi ăn tất cả các bộ trưởng. Chúng tôi thật kẹt. Chính phủ yếu và kém tổ chức. Tổng thống Diệm đã hỏi người Pháp (Tướng Salan), người thu xếp cho người di cư tị nạn, là chúng tôi có thể hi vọng được bao nhiêu người, họ trả lời 25 000. Họ nói họ có tất cả những thứ cần thiết để giúp dân di cư vào Nam. Thay vì 25 000, lại lên tới 2 tới triệu. Họ tới Hải Phòng và người Pháp sững sốt. Thật là kinh khủng. Dân chúng chờ cả tháng để được lên tàu, và họ mất hết mọi sự. Chính phủ Tổng thống Diệm không có tiền bạc. Người Pháp, vốn bi quan, đã không tiên liệu được một cơn lũ như thế. Chính phủ Diệm đã phải kêu gọi người Mỹ. Không có một sự tổ chức nào. Bộ trưởng đặc trách di cư của Tổng thống Diệm đã chống lại phong trào di cư này; ông ta nói rằng, xét về chính trị, thì nên để họ ở lại Miền Bắc, ở đó họ sẽ trở thành những kẻ đối kháng chống Cộng sản. Nếu họ đến Nam Việt Nam, chúng tôi không thể làm họ thỏa mãn, họ sẽ trở thành những kẻ đối kháng chống Chính phủ. Đó có lẽ là những điều từ trước tới nay đã làm cho những người Phật tử nghĩ là Chính phủ ưu đãi người Công giáo.

TRƯỞNG PHÁI BỘ: Nhiều tài liệu và nhiều lời tuyên bố đã giúp chúng tôi biết về lập trường của Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đã được nghe người ta nói rằng Quân đội đã khám phá ra những bằng cớ về những hành vi chống lại Chính phủ, và rằng Chính phủ đã tiêu diệt được những hội kín. Bao nhiêu tài liệu có thể giao cho chúng tôi với sự cộng tác của Chính phủ? Bao nhiêu hội kín đã bị tiêu diệt?

Ô. CỐ VẤN: Chính phủ áp dụng cùng một chính sách cho mọi người. Chính phủ cổ võ mọi tôn giáo chống lại chủ nghĩa vô thần của Cộng sản. Nhiều chùa đã được xây dựng nhờ chính sách đó của Chính phủ.

TRƯỞNG PHÁI BỘ: Nếu tôi hiểu đúng lời Ngài nói, thì âm mưu chống Chính phủ không phải chỉ có tín đồ Phật giáo âm mưu chống lại Chính phủ, mà còn cả người Công giáo nữa. Có phải những làng đã trở lại đạo công giáo hàng loạt là ổ phiến lọan?

Ô. CỐ VẤN: Đúng vậy, nhưng ngày xưa thì không như thế. Về chuyện Chính phủ xung khắc với tín hữu Công giáo người ta phải quay lại năm 1957. Sau năm 1955 nảy sinh ra vấn đề là có những tông phái muốn thành lập những quốc gia trong Quốc gia. Trong năm 1957 những người Công giáo muốn có những đặc quyền – trường học không chịu sự giám sát và muốn những đoàn thể riêng biệt – Âm mưu của những người Công giáo này không lôi cuốn được mấy người theo bởi vì giáo lý của họ – giáo lý Công giáo – rất rõ ràng trong chuyện tách biệt thế quyền khỏi thần quyền. Trong Phật giáo thì không giống như thế. Họ không có giáo lý thành văn và được hệ thống hóa và không có sự tổ chức rõ ràng và chuẩn xác; đó là lý do tại sao âm mưu của họ lôi cuốn được nhiều người theo. Năm 1957 các người Công giáo tự hạn chế chuyện bầu cho ông Diệm.

TRƯỞNG PHÁI BỘ: Theo một lời công bố của Chính phủ, tất cả các hội kín đã bị phá tan. Có phải những hội này là những hội Phật giáo, và bao nhiêu hội như thế?

Ô. CỐ VẤN: Chính Uỷ ban Liên phái tổ chức những âm mưu này, và Ủy ban chỉ đại diện cho một phần của Phật giáo Việt Nam. Những phần khác không đồng ý với Ủy ban này, nhưng họ vẫn phải đồng chịu khổ vì tất cả những chuyện như thế. Là đồng đạo, họ cảm thấy họ cần phải hỗ trợ tinh thần với những kẻ kia. Đây là điểm những người kẻ xách động ngoại quốc tận dụng, đặc biệt Báo chí Mỹ, là những kẻ kích động dư luận thế giới chống lại Chính phủ. Uỷ ban Liên phái điều khiển tất cả mọi tổ chức này.

TRƯỞNG PHÁI BỘ: Quân đội và Chính phủ đã khám phá được nhiều tài liệu. Trong số đó, bao nhiêu chúng tôi được phép xem?

Ô. CỐ VẤN: Qúy Ngài sẽ được phép xem tất cả tài liệu đó.

TRƯỞNG PHÁI BỘ: Nếu tất cả các tổ chức đều bị phá tan, tình hình ắt sẽ phải khá hơn trước và lại càng hi vọng sẽ có sự cải tiến trong quan hệ giữa Chính phủ và các Phật tử. Ngài có hi vọng như thế không? Biện pháp nào nếu có, đã được áp dụng trong bối cảnh như vậy?

Ô. CỐ VẤN: Chính phủ đã không bắt tất cả những kẻ âm mưu. Đa số bọn này chịu sự kiểm soát từ những thế lực hải ngoại và chúng tôi không thể bắt chúng. Chính sách của Chính phủ không phải là chính sách đàn áp, nhưng là chính sách phòng ngừa và thảo luận nghiêm chỉnh với các Phật tử. Khi Quân đội ép Tổng thống ra tay bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn trương, Tổng thống đã đưa ra 2 điều kiện: thứ nhất, Chính phủ sẽ không thay đổi gì trong chính sách hòa giải của Chính phủ đối với Phật giáo, và thứ 2, Quân đội sẽ tìm ra những đối sách không gây ra đổ máu. Các tướng lãnh nói với tôi: “Tổng thống cứ ra sức làm chuyện đội đá vá trời.” Chính phủ không bắt những kẻ đồng mưu, nhưng chính sách hòa giải vẫn không thay đổi bởi vì chúng tôi hiểu tình huống lịch sử. Chính phủ biết rằng ai cũng phải ở trong tình huống này. Chúng tôi bắt những người muốn tự thiêu, nhưng chỉ với mục đích để nói phải trái với họ. Chúng tôi nghĩ rằng chẳng qua cũng vì hiểu lầm, đó là điều bọn quá khích và các Chính phủ ngoại quốc đang lợi dụng.

TRƯỞNG PHÁI BỘ: Trước khi rời Nữu Ước, chúng tôi được báo cho biết rằng khi chúng tôi đến Sài gòn sẽ có những cuộc tự sát và những cuộc biểu tình. Chúng tôi rất mừng là không có gì xảy ra. Chúng tôi đã kêu gọi dân chúng đừng biểu tình. Ngài có nghĩ rằng lời kêu gọi đó đã được đoàn thể Phật giáo lưu tâm để ý? Lời kêu gọi đó có hiệu quả như thế nào? Sự hiệu quả đó liệu có nên cho là vì có những biện pháp từ phía Chính phủ?

Ô. CỐ VẤN: Tin về chuyến viếng thăm của Phái bộ đúng là có hiệu ứng ở chỗ tin này sẽ khuyến khích dân chúng biểu tình. Chính phủ đã tiên liệu điều này và đã tịch thu được những tài liệu có liên quan đến những sự chuẩn bị biểu tình. Những tài liệu này là của những Phật tử quá khích, bọn Cộng sản, và những người ngoại quốc. Nhưng gì thì gì đi nữa Chính phủ vẫn quyết định mời Phái bộ vì Chính phủ rơi vào thế lưỡng nan: một mặt, có đề nghị của từ phía Nga là nới rộng quyền hạn của Úy ban Giám sát và kiểm soát đình chiến để Ủy ban này có cơ hội can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi, mặt khác, có đề nghị để cho LHQ điều tra nội vụ nước chúng tôi. Tôi sẽ nói thẳng: Chính phủ chúng tôi đã ở trong thế phải mời Quý Ngài đến đây và xem bất cứ những gì Quý Ngài muốn. Nhưng Chính phủ biết rằng mời như thế sẽ tạo ra những khó khăn cho mình. Đây là một cơ hội quá tốt cho những kẻ chủ mưu là những kẻ rất muốn gây xúc động cho Phái bộ. Trước khi Phái bộ đến đã có nhiều tin đồn được tung ra, tới mức Toà đại sứ Hoa Kỳ đã phải tổ chức canh gác kỹ hơn vì sợ dân chúng biểu tình. Tình hình quả thật bi đát. Đây thật là một cơ hội quá tốt để đốt một ít người hầu gây xúc động. Vụ Phật giáo này là một cơ hội bằng vàng cho cả Đông lẫn Tây trong việc chia rẽ Việt Nam, cơ hội lợi dụng lòng cuồng tín có một không hai nhằm chống lại Chính phủ.

TRƯỞNG PHÁI BỘ: Có phải Cộng đồng Phật giáo đang cộng tác với Chính phủ và Phái bộ vì họ không muốn tạo một tình trạng bất thường nào ở chỗ họ kiềm chế không biểu tình?

Ô. CỐ VẤN: Không thể có những cuộc biểu tình phi pháp vào lúc này là vì dân chúng không muốn tham gia. Toàn thể vụ việc Phật giáo này cùng lắm bao gồm khoảng 2, 3 , 4 ngàn người, họ là những kẻ múa may quay cuồng, trong khi 3 triệu dân cư của Sài Gòn – Chợ Lớn vẫn giữ thái độ bình tĩnh và hờ hững. Đã không có những cuộc biểu tình lớn, nhưng có thể sẽ có những cuộc biểu tình nhỏ ở nhiều điểm, tương ứng với chiến thuật phân tán lực lượng của cảnh sát. Ví dụ, ngày mai là ngày Lễ Quốc khánh, chắc chắn sẽ có những cuộc biểu tình của những nhóm 15 tới 30 người trong những quận khác nhau trong thủ đô Sài Gòn. Bọn họ có thể được phép tiếp tục. Chúng tôi đang cố gắng ngăn ngừa những vụ tự thiêu; chuyện ngăn ngừa như thế rất khó đối với những người theo đạo Phật vì các sư sãi không coi cuộc đời có giá trị gì nhiều. Vì lý do này hay lý do khác sự từ bỏ cõi tục lụy vốn là nét truyền thống trong các nền triết lý Phương Đông.

TRƯỞNG PHÁI BỘ: Nếu Ngài tiên liệu sẽ có biểu tình ngày 26.10, vậy biện pháp nào sẽ được sử dụng trong lần này?

Ô. CỐ VẤN: Những cuộc biểu tình này sẽ không có gì quan trọng. Nhưng âm mưu đằng sau những cuộc biểu tình này là, bằng cách khiêu khích, họ ép buộc Chính phủ bắt càng nhiều càng tốt, và họ khiêu khích để gây ra đổ máu bằng cách bắn vào cảnh sát. Chúng tôi đã và đang không bắt chước kẻ thù: chúng tôi không bắt bỏ vào tù những kẻ biểu tình, nhưng đưa họ vào các Trung tâm cải huấn thanh thiếu niên, ở đó chúng tôi nói lời hay lẽ thiệt với những kẻ đó. Không hề có tra tấn.

TRƯỞNG PHÁI BỘ: Ví dụ, đã có bao nhiêu vụ bắt bớ từ khi Phái bộ rời Nữu Ước tới nay?

Ô. CỐ VẤN: 30 đến 40. Chúng tôi chỉ giữ lại những tay cầm đầu.

TRƯỞNG PHÁI BỘ: Tất cả là Phật tử?

Ô. CỐ VẤN: Rất ít trong số đó là Phật tử. Bọn Việt Cộng thu dụng tất cả mọi loại người.

TRƯỞNG PHÁI BỘ: 4 chục người bị bắt này, họ theo đạo nào?

Ô. CỐ VẤN: Một số thuộc một đảng chính trị huyền bí xác định niềm tin vào những chuyện dị đoan, đảng đó có tên là Đại Việt Duy Dân. Đảng này thoạt đầu hoạt động dưới trướng của Đảng Hắc Long của Nhật. Tất cả các đảng viên đều từ Miền Bắc. Chính xác ra, tất cả những Phong trào Phật giáo đều thuộc Miền Bắc và Miền Trung, chứ không phải Miền Nam.

Ô. VOLIO: Bao nhiêu sư sãi nếu có, đang bị cầm tù vì những biến động mới đây.

Ô. CỐ VẤN: Chính sách của Chính phủ là không bỏ tù sư sãi, nhưng quy trách nhiệm cho những người lãnh đạo của họ. Chính những người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về những sư sãi này. Mỗi ngày những người lãnh đạo này cần nói chuyện phải trái với những kẻ dưới quyền và kiểm soát họ được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Điều này lại còn tuỳ vào những người lãnh đạo đó. Nếu các vị đó bảo đảm những sư sãi này sẽ không làm loạn nữa, chúng tôi sẽ trao lại cho họ. Chính phủ cho đây là vấn đề nội bộ của Giáo hội Phật giáo. Nếu Giáo hội Phật giáo không giải quyết được vấn đề, chúng tôi buộc phải đảm nhiệm, nhưng nguyên tắc của chúng tôi là luôn luôn cho họ thì giờ để làm thử. Một lúc nào đó, sau cuộc họp mặt với các vị đó nếu các vị đó yêu cầu Chính phủ thả ai đó ra, kẻ đó sẽ được thả. Nhưng Chính phủ muốn được bảo đảm rằng sẽ có một tổ chức nào đó có khả năng tiếp nhận những kẻ được thả ra đó. Chính phủ có trách niệm giữ gìn an ninh, tất cả chỉ có thế. Điều này lại còn tuỳ những người này có trở về nhà hay không. Những người lãnh đạo Phật giáo đang trong trong tiến trình nắm lại quyền điều khiển các ngôi chùa của họ. Những người ngoài đời đã nắm quyền kiểm soát các chùa và đã trục xuất các sư sãi tụ trì. Chính phủ phủ chẳng có lợi lộc gì mà cầm tù người dân.

TRƯỞNG PHÁI BỘ: Bao nhiêu người như thế đang ở trong tù?

Ô. CỐ VẤN: Khoảng 200 tới 300; xin Quý Ngài hỏi Bộ trưởng Bộ nội vụ. Lý do là vì Tông Phái Tăng già vẫn chưa can thiệp để đảm nhiệm họ.

Ô. GUNEWARDENE: Tôi muốn Ngài soi sáng cho tôi một số vấn đề. Trong thời gian Pháp chiếm đóng, lý do người Pháp thường viện dẫn ra (cho sự chiếm đóng của họ), đó là chuyện những người theo Đạo Phật đã tra tấn các thừa sai người Pháp. Điều này có đúng không?

Ô. CỐ VẤN: Không. Chẳng có chuyện các Phật tử bức hại người Công giáo. Chính danh thủ phạm là các Nho sĩ.

Ô. GUNEWARDENE: Có phải là người Công giáo ở trong một vị thế cao hơn phần dân còn lại dưới thời kỳ Pháp cai trị?

Ô. CỐ VẤN: Cả có lẫn không. Những người cực đoan kị giáo sĩ* và những người thuộc Hội Tam điểm* nắm độc quyền trong những chức vị trong Bộ Thuộc địa của Pháp. Các quan toàn quyền và các viên chức ở đây (Việt Nam) thì kị Công giáo, và kị giáo sĩ. Nhưng hàng giáo phẩm ở Nước này lúc đó không được độc lập; họ phải chịu sự kiểm soát của hội truyền giáo hải ngoại có trụ sở ở rue du Bac, Paris. Những cha xứ là người Pháp, và ở Pháp có những đại biểu nghị viện người Công giáo. Những viên chức Pháp kị giáo sĩ này phải tính đến điều này trong những liên hệ của họ đối các linh mục Pháp này. Các linh mục biết rõ quyền lợi của họ; ví dụ, trong vấn đề bất động sản các vị đó đã thành công trong việc bảo vệ tài sản của Giáo hội, hay nói cách khác, của Hội Thừa sai truyền giáo. Do đó, nhận xét của Ngài rất đúng. Chính sách của Pháp không khuyến khích người Công giáo, nhưng tại đây người Công giáo có ưu thế vì họ sở hữu đất đai. Theo giáo lý Công giáo, chính quyền của một Quốc gia có quyền được hưởng sự tôn kính về mặt thế tục. Ngoài ra, chính quyền tin tưởng vào người Công giáo vì họ phục tùng một cách mù quáng mọi chính quyền, hợp pháp hay đang cai trị tuy không được chính thức công nhận (de facto).

*Chủ nghĩa kị giáo sĩ (Anticlerianism) phản đối hàng giáo sĩ Công giáo vì ảnh hưởng thực sự của họ hoặc họ bị cáo buộc có ảnh hưởng trong các vấn đề chính trị và xã hội, hoặc vì chủ nghĩa duy tín điều vì đặc quyền hoặc tài sản của họ, hoặc vì bất kỳ lý do nào khác. Mặc dù thuật ngữ này đã được sử dụng ở Châu Âu kể từ thế kỷ 12 và 13, nó liên quan đến lịch sử gần đây hơn với cuộc Cách mạng Pháp và hậu quả mà cuộc Cách mạng này mang lại. (Britanica.com)

**Tam điểm: Tiếng Anh là Fremasonry (mason: thợ xây cất); tiếng Pháp: Franc-maçonnerie (maçon: thợ xây cất): sự liên minh giữa những người thợ xây xây cất. Tên tiếng Việt của hội này là “Tam Điểm” được giải thích là do các hội viên người Pháp khi viết thư cho nhau thường gọi nhau là Sư huynh/Sư đệ (frère), hay Đại Sư phụ (maître), viết tắt F hay M và thêm vào phía sau 3 chấm như 3 đỉnh hình tam giác đều. Manh nha từ Thời Trung Cổ, cho tới khi hình thành Đại Hội Quán 1717 ở Luân Đôn. Thăng tiến hội viên bằng giáo dục về luân lý, đạo đức và cổ võ sự hiểu biết và tình huynh đệ giữa người với người. Gồm những người đức hạnh tốt và giàu có. Phải tin vào Đấng tối cao và tin vào linh hồn bất tử, chẳng hạn, vào Đấng tối cao và Đức tin Kytô giáo. Khuyến khích thành viên hành động vì sự tiến bộ nhân loại. (Wikipedia Anh+Pháp+Việt)

Ô. GUNEWARDENE: Liệu các thừa sai người Pháp thủa đó muốn làm gì thì làm; bây giờ có bao nhiêu người Công giáo ở Việt Nam? Tỷ lệ là bao nhiêu so với số dân số cả nước?

Ô. CỐ VẤN: 10%. Đa số họ thuộc tầng lớp thấp.

Ô. GUNEWARDENE: Còn người Hồi giáo?

Ô. CỐ VẤN: Khoảng 70 000 người kể cả người Ấn theo đạo này.

Ô. GUNEWARDENE: Và người Tin Lành?

Ô. CỐ VẤN: Tôi không biết đích xác con số bao nhiêu; họ không nhiều lắm, nhưng họ có thể tăng số, nhờ sức mạnh của người Mỹ.

Ô. GUNEWARDENE: Như thế 85% là theo Khổng giáo hay Phật giáo?

Ô. CỐ VẤN: Tất cả những người theo Khổng giáo hay Phật giáo đều thờ cúng ông bà tổ tiên; Phật giáo thuần túy chỉ có 2 triệu, và có những kẻ theo cả đạo Lão lẫn đạo Khổng. Khi Quý Ngài nhìn các tượng trong các chùa chiền, không chỉ có tượng Phật mà thôi, điều này cho thấy có một tôn giáo tổng hợp.

Ô. GUNEWARDENE: Trên thế giới này không làm gì có loại Phật tử tinh túy; tất cả họ đều tự gọi họ là Phật tử.

Ô. CỐ VẤN: Với từ “Phật tử tinh túy”, tôi muốn nói về những tín đồ đang cố gắng giũ sạch giáo lý của Phật khỏi những điều không thuần khiết.

Ô. GUNEWARDENE: Có bao nhiêu bộ trưởng theo Phật giáo trong nội các?

Ô. CỐ VẤN: 3/4.

Ô. GUNEWARDENE: Có bao nhiêu tướng (theo Phật giáo)?

Ô. CỐ VẤN: Trong 17 tướng lãnh trong Quân đội, 14 theo Phật giáo, tinh túy hay không tinh túy, tôi không biết; và 3 theo Công giáo trên danh nghĩa.

Ô. GUNEWARDENE: Có bao nhiêu Phật tử trong Quân đội?

Ô. CỐ VẤN: Có cùng tỉ lệ với số dân. Nhưng đa số theo đạo ông bà, thờ cúng những người đã khuất; họ không đi chùa. Việt Nam không phải là một nước sùng đạo; người Việt Nam thiên về suy nghĩ phóng khoáng hơn. Họ đi đến chùa khi họ đau ốm hay gặp điều gì không may, ngoài ra thì không.

Ô. GUNEWARDENE: Có tuyên úy Công giáo và Tin lành trong Quân đội không?

Ô. CỐ VẤN: Có, nhưng không có tuyên úy Phật giáo, bởi vì họ chống chiến tranh.

Ô. GUNEWARDENE: Có bao nhiêu trường Phật giáo và bao nhiêu trường không Phật giáo?

Ô. CỐ VẤN: Tôi không biết rõ có bao nhiêu trường Phật giáo; nhưng có khá nhiều. Trường Công giáo rất ít, và đó là những trường nhỏ dùng trong chiến dịch chống nạn mù chữ. Họ không có nhiều tiền.

Ô. GUNEWARDENE: Ai là sĩ quan tổng trấn Sài gòn? Ông ta là Phật tử?

Ô. CỐ VẤN: Tướng Là; ông ta là Phật tử, nhưng đối với chúng tôi điều đó không phải là vấn đề chúng tôi quan tâm khi chúng tôi lượng định.

Ô. GUNEWARDENE: Nhưng Phật tử họ lại quan tâm chuyện đó.

Ô. CỐ VẤN: Tôi không muốn đi sâu về vấn đề quan tâm hay không quan tâm về vấn đề tôn giáo. Bất cứ ai cũng có thể thay đổi tôn giáo. Tôi, chẳng hạn, tôi là người Công giáo, nhưng tôi kỵ các giáo sĩ.

Ô. GUNEWARDENE: Dụ số 10 có từ thời Bảo Đại, có phải vậy không?

Ô. CỐ VẤN: Đúng vậy. Vào thời Bảo Đại, nhưng Dụ này không phải là một biện pháp mang tính phân biệt đối xử. Nó được ban hành là để đối phó với những vấn đề liên quan đến ngoại kiều. Năm 1959, Chính phủ Tổng thống Diệm đã phải đối phó với những vấn đề xuất phát từ những bang Hoa Kiều.

Ô. GUNEWARDENE: Dưới thời Pháp cai trị, có phải mọi người đều chiến đấu giành độc lập và người ta bỏ lại phía sau những quan ngại về tôn giáo?

Ô. CỐ VẤN: Đúng thế, nhưng những quan ngại này đã bị khai thác.

Ô. GUNEWARDENE: Khi giành được độc lập, có phải người dân trở về với tôn giáo của họ?

Ô. CỐ VẤN: Vâng. Đó là một cách để xác định nhân cách của họ đồng thời họ tìm kiếm một người dấn thân cho lý tưởng mà có đủ tài đức đứng ra xây dựng nước.

Ô. GUNEWARDENE: Sự lớn mạnh của Phật giáo, như thế, là hậu quả tự nhiên của sự giành lại được độc lập, có phải vậy không?

Ô. CỐ VẤN: Vâng, đó là một phong rào vốn rất lành mạnh, như tôi đã nói.

Ô. GUNEWARDENE: Các Phật tử có trình lên Chính phủ những khiếu nại nào không?

Ô. CỐ VẤN: Có, như những người khác. Chính phủ bị ràng buộc với nguyên tắc phân biệt đạo với đời. Nếu các Phật tử muốn lập một đảng chính trị, họ sẽ buộc phải đứng vào cùng một vị trí như những người khác, nhưng một khi như thế thì chuyện đạo và chuyện đời không được lẫn lộn.

Ô. GUNEWARDENE: Ngài nói với chúng tôi rằng Vấn đề Phật giáo nảy sinh từ Đệ nhị thế chiến, trước khi khi thời thuộc địa chấm dứt. Như thế Vấn đề Phật giáo nổi trên trong cùng những điều kiện của Vấn đề Phật giáo thời đó? Các Phật tử lúc trước cũng có những khiếu nại tương tự như Phật tử bây giờ không?

Ô. CỐ VẤN: Lúc ấy, Phật tử không có ai khiếu nại. Đó là một phong trào chấn hưng nhằm xây dựng giáo lý Phật giáo trên sự quảng bác về Phật giáo. Sẽ không công bằng nếu nói rằng người Pháp không làm gì hết cho công cuộc chấn hưng ấy. Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã giúp rất nhiều cho những sự quảng bác của Phật giáo.

Ô. GUNEWARDENE: Thế thì, tôi xin hỏi Ngài tại sao lại có chuyện Phật giáo khiếu nại?

Ô. CỐ VẤN: Trong bối cảnh lịch sử của [một nước] kém phát triển, họ đi trệch khỏi giáo lý chân thực vì họ thiếu học giả có khả năng thực hiện những nghiên cứu cần thiết. Cũng giống như, chẳng hạn, Công giáo, tôi không nghĩ Công Đồng đang diễn ra sẽ mang lại được nhiều lợi ích, trừ khi có một sự đổi mới trong những nghiên cứu thần học. Phẩm chất của những nghiên cứu thần học đang không đi theo kịp sự bành trướng của hoạt động Công giáo. Hiện nay ai là những thần học gia Công giáo? Chắc chắn không phải là những hồng y. Vấn đề là ở chỗ có đủ những ngưởi có khả năng học vấn hay không.

Ô. AMOR: Có những Trung tâm cải huấn thanh niên ở Sài Gòn. Chúng tôi có thể thăm các trại đó được không?

Ô. CỐ VẤN: Có một Trung tâm chỉ cách đây một cây số.

Ô. AMOR: Co có những người cầm đầu ở đó không?

Ô. CỐ VẤN: Ở Huế thì có, nhưng ở Sài gòn không có.

Ô. CORRÊA DE COSTA: Để khảo sát một vài trường hợp mẫu, liệu Phái bộ có thể thăm một trại, hoặc ở Sài gòn hoặc ở Huế, và thăm một nhà tù được chứ? Ngài nói với chúng tôi rằng có 300 sư sãi đang ở trong tù.

Ô. CỐ VẤN: Vâng; tôi phải giải thích thêm rằng, sư sãi thì không ở trong tù; họ tụ trì ở chùa. Đây là ý do mà qúy Ngài có mặt hôm nay. Các nhà sư này đã đồng thuận với tôi.

Ô. CORRÊA DE COSTA: Tại sao 200 tới 300 sư sãi mà chúng ta đang nói tới lại không được Ủy ban (Liên phái) nhận?

Ô. CỐ VẤN: Bởi vì họ không có tên, tuổi trong sổ bộ. Ở trong Nước chúng tôi, Quý Ngài Ngài có biết không, bất cứ ai cũng có thể tự xưng mình là sư; kẻ ấy chỉ có việc cạo đầu và khoác lên mình chiếc áo cà sa? Phải kiểm soát chuyện này.

Ô. CORRÊA DE COSTA: Có phải Ủy Ban (Liên Phái) hiện đang thực sự làm một cuộc kiểm soát như thế?

Ô. CỐ VẤN: Vâng, cho lợi ích của chính họ, bởi vì sự ưu ái mà người đời dành cho họ đang bị đặt vấn đề. Dẫu gì đi nữa người ta phải nắm chắc rằng những người này thực sự là sư sãi thực thụ.

TRƯỞNG PHÁI BỘ: Chúng tôi rất cảm ơn Ngài. Như Ngài đã nói, chúng tôi tới đây là để tìm kiếm sự thật. Chúng tôi phải xin lỗi Ngài vì đã gây phiền toái cho Ngài. Nếu Phái bộ muốn có thêm tin tức, liệu chúng tôi có thể gặp Ngài?

Ô. CỐ VẤN: Tôi rất hân hạnh và vui mừng được trao đổi với Phái bộ. Tôi có rất nhiều thiện cảm với Phật giáo. Những ký ức hạnh phúc nhất của những ngày thơ ấu của tôi đượm màu Phật giáo. Khi chúng tôi còn nhỏ, mặc dù chúng tôi là người Công giáo, nhưng chúng tôi đã được đưa đến chùa và chúng tôi yên cái bầu không khí an lành ở đó. Dân chúng có rất nhiều thiện cảm với Phật giáo.

TRƯỞNG PHÁI BỘ: Đây là vấn đề thuộc về Phật giáo, nhưng cũng là vấn nạn cho Việt Nam. Và chúng tôi tin chắc rằng đây cũng là vấn đề Ngài đang ưu tư.

 

NGODINHNHUDied

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.