Nguyễn Văn Thà
.Timbuktu, tranh minh họa của René Caillié, 1830
Những Tết xưa: Đêm đen thật đen với những cơn gió bấc bỗng dưng hiền khô, hiền đến độ chịu dừng chân xồng xộc, chầm chậm đưa hương đi nơi nơi; kiên nhẫn chờ hương vương cành, lịch sự đợi hương hòa kinh với mai vàng sang trọng, cúc áo xuân mới đã đành, mà còn cả với bông vạn thọ quê mùa, chân chất; đèn sáng hơn qua cửa sổ chống cao hơn, và cửa sổ thả tiếng cười đùa vui hơn từ lòng mái tranh, và cả tiếng ai đó quá chén hơn thường; bầu trời thêm nhiều giải ngân hà mới; mùi lá chuối luộc từ những thùng bánh tét nấu ngoài vườn, mùi rơm khô thoang thoảng ruộng vườn sạch sẽ, khô ráo; và cái không khí nong nóng dễ chịu so với bên này xứ tuyết, cứ nhớ xuýt xa như khi thằng cu xứ mình bỗng được mẹ mua cho một lượt cả chục cây cà rem. Và tết nhất không có ai già cả, và ai cũng cảm thấy mình được kính trọng hơn, và không dễ gì tìm được tiếng khóc, ngoại trừ tiếng mấy nhóc được cưng chiều hơn thường, được thể đòi được cưng thêm. Người xa xứ nhiễm dịch lạnh lùng, ích kỷ của người, ngày xuân quê nhà bâng khâng nhớ quê nhà, rồi bỗng giật mình, thấy mình kỳ cục không giống ai, thấy mình kém văn minh hơn hồi bên nhà biết bao.
Và vào những đêm giao thừa, từ hồi học trung học, Nam thường kiếm một danh tác để đọc suốt đêm ở nhà sau, chờ rạng đông nguyên đán trong khi mẹ Nam thầm thì đọc kinh nhà trên. Thỉnh thoảng bà lại đi xuống nhà dưới, tay vẫn lần hạt, miệng thầm thì câu kinh, nhìn Nam, bỏ thêm một ít mứt vào đĩa cạnh ấm trà bên võng Nam. Cái nhìn của bà đầy mến thương hơn thường ngày, dành cho Nam, và dành cho những người đã khuất đầm đìa trong câu kinh. Thói quen đọc sách ấy Nam vẫn còn giữ được tới ngày nay, khi đã sống ở xứ người, nơi mà Tết Nguyên Đán đến vào những ngày lạnh nhất, tuyết băng tràn trề sông núi.
“Con đọc cấy chi rứa?”
“Con đọc về Sự Lành, Sự Dữ mẹ ạ!”
“Ừ. Con người làm gì thì làm cũng không qua hai sự ấy. Mẹ cũng đang đọc kinh, lần hạt cầu nguyện cho những người làm Sự Lành lại bị Sự Dữ làm hại, những người trong nhà mình.”
“Dạ.”
Giao thừa năm nay, ở Na Uy, Nam cũng đọc sách; đĩa mứt, chén trà cho mẹ trên bàn thờ và cho mình nằm võng. Nam đọc cuốn Voyage à Tombouctu de René Caillié (Du hành Timbuktu của René Caillié ), ấn bản 1989, (tựa sách hơi khác,và ngắn gọn hơn ấn bản đầu tiên) mà tình cờ Nam mua lại được trong chợ trời. Nói là mua lại được là vì những tháng sau ngày 30/4/75, sách “đồi trụy” bán tràn lan trên các vệ đường Sài Gòn: sách Việt, sách Mỹ, sách Pháp…, và một ngày lang thang đường Kỳ Đồng, Nam mua được, với giá như cho, cuốn La Bible de Jerusalem1, còn thơm giấy mới, và còn đặc biệt mua được cả cuốn sách nói trên, nhưng là ấn bản đầu tiên, năm 1830, với tựa đề: Journal d’un voyage a Tembocicu et Jenno dans l’Afrique Centrale, etc. (Nhật ký du hành Tembocicu và Jenno trong Trung Phi, vv.), và cả mấy chục cuốn sách hiếm khác mà những ngày đi học thấy chưng trong nhà sách Xuân Thu, nhìn mà thèm nóng cả người. Nam cố gắng đưa lén chúng về quê và cố giữ tới ngày đi vượt biên. Cuốn La Bible de Jerusalem, cha Long mượn; mượn lâu thấy cha có vẻ cần, Nam chẳng đòi lại. Nhưng cuốn phiêu lưu ký của René Caillié, Nam giữ gìn cẩn thận, có lẽ vì đó là ấn bản cổ; vả lại, Nam vốn rất thích đọc phiêu lưu ký, nhất là phiêu lưu ở một lục địa xa lạ, đầy lôi cuốn như Phi Châu, và tại một thành phố đầy bí ẩn như Timbuktu vào thời xa xưa. Nhưng rồi, cuốn sách này, cũng như cả mấy tủ sách của Nam, cũng bị thất tán một phần hồi có chiến dịch đốt sách, và mất sạch sau ngày Nam vượt biên, vì không có ai trong nhà thích đọc sách (“đồi trụy”) đến độ can đảm mà giữ sách, và cha mẹ Nam thì không dám giữ, nhất là sách vở vào buổi ấy là gông giữa đàng, mà gông cộng sản thì rất trời ơi đất hỡi (hay tùy tiện, nói như mấy ông cộng sản) và rất nặng (hay cực kỳ phản động, nói như mấy đàn em của cộng sản Ba Tàu.)
Thời gian gần đây, Nam không biết sao cứ hay hỏi thăm những bạn cùng sở, người châu Phi, về Timbuktu, đến nỗi có đứa gọi đùa anh là Mr.Timbuktu. Mấy anh Việt Nam biết được chuyện, đùa: Bộ tính kiếm vợ mọi đen hả? Anh cũng kiếm tin tức Timbuktu cả trong mạng.
Có nhiều giải thích về địa danh Timbuktu này. Nhưng thường người ta cho Timbuktu có nghĩa là Chổ-của-bà-Buktu, vì, theo tiếng tamashek, một thổ ngữ của dân Tuareg, Tin: Chổ của; Buktu: tên của người một người đàn bà mà người Tuareg giao cho nhiệm vụ coi đồ đoàn của họ, trong khi họ phải tiếp tục rong ruổi lên phía bắc sa mạc Sahara.2
Cách nay khoảng năm trăm năm, khi Timbuktu được kể đến như một trạm giao thương xuyên Sahara, trên con đường tải vàng của vùng Tây Phi tới các triều đình và các nhà băng của châu Âu và của các nước ven bờ Địa Trung Hải, nó còn là trung tâm của các học giả tôn giáo, văn chương và khoa học. Hằng nhiều thế kỷ, người châu Âu đã cố gắng và không ai đến được thành phố này, và như thế, thành phố được coi như một nơi hiểm trở, do đó bí hiểm. Vào năm 1828, René Caillié, một nhà phiêu lưu Pháp đã tới được và sống sót trở về được châu Âu và viết sách kể lại.
Ngoài ra còn có những bài báo nói về sự sưu tập những văn bản cổ Ả Rập. Trong những văn bản mỏng giòn ấy, báu vật của quá khứ đang nằm giấu trong hàng ngàn cuốn chưa được khám phá, sưu tập; chúng còn nằm trong các tủ, hòm của những bộ tộc nằm xuyên ngang sa mạc Sahara. Chúng chưa tan hủy là nhờ không khí khô ở sa mạc, nhưng vẫn bị côn trùng và hơi ẩm hàng năm từ những mùa mưa ngắn đe dọa. Ở Timbuktu có những người như gia đình anh Haidara đã sưu tập những văn bản như thế, những văn bản về tôn giáo, khế ước thương mãi, những quyết định luật pháp, và những ghi chú ngoại giao trao đổi giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo. Luôn luôn có những người trí thức như thế giữ truyền thống bảo tồn nền văn hoá khi không có chính phủ nào, cơ sở nào đảm trách. Họ đã làm công việc này từ thế kỷ thứ 16, nhưng nay nhờ sự trợ giúp của các nước Ả rập và UNESCO, trung tâm Ahmed Baba – lấy tên một học giả của Timbuktu sống vào thế kỷ 15 – đã được thành lập để sưu tầm các văn bản đó. Trung tâm hiện giờ lưu giữ khoảng 14.000 cuốn, tạm an toàn, nhưng không có đủ tài chánh để bảo tồn một cách khoa học.
Và sách của René Caillié kể:
René Caillié nhà nghèo, nhưng rất thích phiêu lưu mạo hiểm. Ông đã tiết kiệm tiền bạc nhiều năm; sợ lộ tung tích là người theo đạo Kitô sẽ bị giết, ông chịu khó học tiếng và phong tục Ả rập, rồi giả dạng là một người Ả rập; kiên trì chịu đói, nhất là chịu khát, bệnh tật, chịu thèm muối; bị người tuareg hành xách trong sa mạc…; cuối cùng ông cũng tới được Timbuktu. Chuyến phiêu lưu từ bờ biển Tây Phi đến Timbuktu mất cả một năm trời. “Cuối cùng chúng tôi may mắn đến được Timbuktu, ngay khi mặt trời vừa chạm tới chân trời. Tôi đã thấy được thủ đô của Jenno như thế đó, cái nơi mà bao lâu nay là mục đích của mọi mơ ước của tôi. Khi tôi vừa đặt chân vào thành phố bí hiểm này, vốn là đối tượng cho sự tìm kiếm của một châu Âu văn minh, tôi cảm thấy khoan khoái thỏa mãn không tả xiết. Tôi chưa bao giờ mãn nguyện như thế và tôi vui sướng quá sức.” Thoáng thấy thì vui ngây ngất như thế, nhưng khi vào hẳn thành phố thì: “Sau khi sảng khoái một lúc như thế, tôi mới thấy ra rằng, những gì hiện ra trước mắt tôi, chúng làm đảo lộn hết những gì tôi biết được từ trước đến nay về sự vĩ đại, giàu có của thành phố này. Rõ ràng là thành phố chẳng gì hơn là một nơi tụ tập của những nhà vách đất tồi tàn, và bốn hướng toàn những bãi cát chuồi mênh mông… Trời đất gì gì cũng buồn, một nỗi lặng thinh lớn ngự trị, người ta chẳng nghe được cả một tiếng chim. Dẫu sao cũng thật ngạc nhiên khi thấy cả một thành phố lớn như thế được dựng lên ngay giữa bãi cát, và người ta phải bái phục người sáng lập.”
Vừa đọc sách, Nam vừa xem tranh minh họa của chính René Caillié. Đọc xong sách, Nam lại xem đi xem lại những tranh vẽ thành phố Timbuktu nhỏ bé, trơ trọi giữa sa mạc mênh mông và dưới bầu trời càng mênh mông hơn; những người đàn bà dáng dấp nhẫn nhục, đôi mắt u uẩn khôn nguôi. Dường như những bức tranh đó còn làm xúc động Nam hơn lời kể trong sách. Nam không ngủ được, cứ đi tới đi lui trong phòng.
“Hay là mình đi Timbuktu một chuyến, xem người, xem cảnh sa mạc, ốc đảo ra sao, và ghé xem các văn bản cổ Ả rập. Ở đây tết nhất lạnh lẽo, tối tăm, lại ở một mình nhớ nhà quá đâm mệt!” – Nam lẩm bẩm.
Nam đi máy bay từ Oslo đến Bamako, thủ đô của Mali. Rồi lấy máy bay đi Timbuktu, nhưng chuyến bay bị đình chỉ bất thình lình. Mấy du khách Tây trẻ nói với Nam: “Cái gì ở đây cũng thường thất thường như thế, huống hồ máy bay. Phải biết trước thế để mà liệu chừng.” Dùng dằng chưa biết tính sao, đêm ấy mấy anh du khách bụi rủ Nam đi chơi. Và đêm đó, trăng thượng tuần, trăng hilal, trăng mới cho tháng mới, cho niềm hi vọng mới, ân sủng mới, như dân Hồi giáo ở đây vẫn nói. Dám vì vậy cho nên, ngồi quán được một lúc, chuyện trò linh tinh, anh bồi quán biết chuyện kẹt máy bay như thế, anh cho biết là có thể đến Timbuktu bằng lạc đà. Thực ra chuyến đi lạc đà không bắt đầu từ Bamako mà từ Doentza và phải đi xe bus đến đó.
Ở đấy có anh chàng tên Braham lo mọi thủ tục. Anh ta chỉ biết nói tiếng Pháp và thổ ngữ Fulani. Tiếng Fulani dĩ nhiên chẳng ai biết nói, mà tiếng Pháp chỉ có Nam biết; mấy anh kia toàn là dân Bắc Âu vốn khinh thường, không ưa người Pháp kênh kiệu, nhăn nhó, rồi không ưa luôn tiếng Pháp.
Bản đồ những nơi có sông Niger chạy qua, trong đó có Timbuktu
Cái anh chàng Braham khi biết Nam là người Việt Nam, bắt tay thật chặt, lắc lắc, vỗ vai, cười sảng khoái: “Việt Nam Hồ Chí Minh.” như đa số dân Hồi giáo châu Phi, hoặc Trung Đông mỗi khi biết được người đối thoại là người Việt Nam. Nam bộp lại liền:
“Anh coi chừng cái miệng của anh. Cái lão Hồ của anh là một tên khốn kiếp (salaud) thứ thiệt.”
Anh chàng Braham chưng hững:
“Sao anh nói lạ vậy?”
“Nói cho anh hiểu được chắc phải mất nhiều thời giờ. Nhưng tôi thề có Đấng Allah, lão ta là như vậy đó.”
“Còn tụi Mỹ, bọn đốt nhà, giết trẻ em, hãm hiếp đàn bà?” – Braham giọng vớt vát.
“Cái lão qủi vương Shaitan Hồ với bầy âm binh jinn của hắn còn đốt cả nước, bắn giết, giật mìn, chôn sống trẻ em, đàn bà đủ cả, mà không thấy ai ở Phương Tây đủ lương thiện để tố giác. Và anh nên nhớ là người Mỹ là nước văn minh bực nhất, quân đội Mỹ có kỷ luật, không phải đi đâu cũng đốt nhà, cũng đéo bừa được. Cuộc chiến tranh nào cũng có những cá nhân vi phạm kỷ luật. Đáng lẽ các anh phải cùng chúng tôi làm jihad chống lại cái lão quỉ tướng Iblis Hồ đó với tụi jinn Cọng sản của lão mới phải.”
“Anh nói sao giống một con nhỏ tôi gặp trước đây mấy năm. Cô ta cũng người Việt Nam. Nghe tôi hô “Việt Nam Hồ Chí Minh” là cô ta nổi giận. Cô ta cũng đi Timbuktu, nhưng lại chọn đi xuồng theo giòng sông Niger, lại là xuồng chống. ‘Đi vậy thì có lẽ mát hơn, tuy rất lâu. Tôi có nhiều thời giờ.’ – Cô ta nói vậy. Lại còn đi một mình một xuồng. Tôi hỏi: ‘Cô có điên không vậy?’ Con nhỏ cười cười: ‘Người Việt chúng tôi ai cũng điên điên một chút như thế.’“
Văn há hốc:
“Tôi cứ tưởng tôi là người Việt Nam đầu tiên, duy nhất đi Timbuktu.”
“Chậc, con nhỏ gan cùng mình. Việt Nam thắng Mỹ là phải.”
“Nữa! Anh cho tôi xin.”
Braham cười khề khề.
Chuyến đi vất vả, nhưng lạ và vui, vui với lạc đà ngất ngưỡng, ngày nóng mướt người, đêm dâm dấp đóng trại bên giếng nước mát, lửa đêm, uống bia đắng nghét mà bốc ra phết, ngấu nghiến thịt cừu lấm cát, nướng bầy bậy. Thật khó tưởng tượng, chỉ mới tuần trước, Nam còn ngồi trong căn hộ chật hẹp của mình, đọc sách, nhìn vơ vẩn vào màn ảnh TV, ngó vô hồn tường trơ, và bên ngoài trời tối, tuyết nhão, bùn sệt nơi nơi.
Một người đàn bà ở Timbuktu
Làm, ăn, ngủ, ngủ, ăn, làm. Nhưng nơi đây mênh mông mênh mông rồi mênh mông; thời gian là một khái niệm cổ lổ xỉ; và cũng nơi đây mặt trời sa mạc dữ dội; da thịt rộn ràng, mạch máu ngỗ ngược. Và trăng nữa, trăng nữa, trăng không còn hiền lành, e ấp, mà là trăng thống trị. Ánh sáng nhận chìm con người trong biển quang minh ngày, đêm. Con người no nê sức nóng, no nê ánh sáng. Tới, tới, tới, tới…
Ngày rằm, tháng Giêng, nhóm du khách bụi năm người mới tới được Timbuktu. Tới khách sạn, ai về phòng nấy.
Trăng ở Timbuktu
Sau khi tắm một phát, Nam ngủ một giấc mê mệt.
Khi thức dậy thì thấy trăng sáng chảy tràn lan vào phòng. Thành phố khuya như một khu phố chết. Chỉ còn gió còn sống và những chòm sao còn sống. Và trăng nguyên tiêu ở đây là trăng nguyên tiêu biển cát mêng mông, khác hẳn những nguyên tiêu quê nhà, khác hẳn những vầng trăng mơ hồ tiền chiến, trăng say của chàng Trí thuở nào. Đây là vầng trăng vô thủy vô chung như lời Sấm, uy nghi như Allah, hào hoa như Đấng Cứu Chuộc và ngọt ngào, ân cần như lần đầu Dominus te cum3. Người ta trở nên tinh tuyền, thanh sạch như tiếng chim vừa nở. Tâm trí tan vào thân xác và thân xác tan vào ánh trăng. Không còn vũng chiêm bao, mà là chân không thực tại. Không là những miếng nhạc say, những lá trăng rơi lên xiêm áo như những mảnh nhạc vàng4, mà là những thanh kiếm sắc ngọt chém sả lớp vỏ sù sì sân si.
Thì ra trăng bỏ đỉnh trời, xuống với người người hạn hẹp.
Thì ra không còn chờ được nữa, trăng đã ép duyên con người và ôm riết con người, không chịu buông. Người thế nhìn lại mình và không còn thấy mình nữa, vì trong lòng trăng, thân xác người trở nên linh hồn thanh khiết.
Hay là chính con người đã tự nguyện đục thủng chiếc thuyền lăng quăng mình, bẻ lái, cho chìm vào biển trăng; hay là trăng cắt dây buộc thuyền lý trí người, đổ đầy khoang rượu-trăng?
Nam giang tay, ngửa mặt nhìn trăng, một trăng, hai trăng, ba trăng…vô số trăng, và lừng lững đi ra khỏi thành phố, môi thầm thì lời lời bùa chú: “Qamar, Qamar… Qamaran, Qamaran…”
Nam cứ đi mãi như thế theo hướng sông Niger, theo tiếng thơ ai đó đang giục giã trong trăng, tiếng thơ đầy không gian như ân sủng Allah bao bọc người thế phát ra từ những tháp kinh. Chạy, chạy, chạy, chạy miết, và khi tới gần sông Niger, anh thấy trước mặt mình một căn lều ghép bằng sậy papyrus ven sông. Có người con gái đứng trước lều như đang chờ anh, mừng rỡ tiếng miền Nam xứ Việt trong trẻo, rõ ràng, làm Nam tỉnh cả người:
“Chào anh.”
“……”
“ Anh mới tới?”
“Vâng. Mới tới sáng nay.”
“Sao anh biết tôi ở đây mà tới?”
Nam mỉm cười:
“Đồng thanh tương ứng. Đồng khí tương cầu.”
Cô gái hiếc anh:
“Nữa! Còn tôi, tôi biết thế nào anh cũng tới đây… Anh ngồi đây nói chuyện cho mát.” – Hai người ngồi xuống triền cát trước lều. – “Anh Haidara có cho tôi biết đầu hôm có một người xưng là người Việt mới gọi điện thoại cho anh ta, và ngỏ ý muốn xem bộ sưu tập bản thảo.”
“Cô quen?”
“Trước hết vì nghề nghiệp, vì tôi ký hợp đồng làm ở trung tâm sưu tầm văn bản ở Timbuktu. Tôi vừa chụp microfilm, vừa xử lý hóa chất các bản thảo cổ để bảo quản, vừa dịch. Anh biết không, có khi dịch một ngày chỉ được một câu. Phải nói cái chữ Ả rập thật thâm sâu, vi diệu.”
“Cô học ở Việt Nam?”
“Không, tôi học ở đại học Alger. Tôi được gởi qua tu ở Algérie, và đi học ở Alger, học xong tôi xin ở lại Algérie tu luôn. Tôi thích xứ sở Algérie, đúng ra tôi thích sa mạc. Sau tôi còn qua Libanon nữa, học thêm môn tiếng Ả rập cổ. Hồi ở Libanon tôi có gặp mấy người Việt Nam công nhân lao động nước ngoài ở đó, họ biết tôi học món đó, họ có vẻ tiếc cho tôi. Có con nhỏ khá thân với tôi còn nói: ‘Có cơ hội mà không học món chi cho thực dụng, dễ kiếm ra tiền. Món đó về Việt Nam, chỉ có chết đói. Nghèo đói cay cực lắm, chị ơi… Có sa vào mới biết…’ Cũng may sau khi tốt nghiệp, nghe giáo sư đỡ đầu của tôi cho tôi biết là giáo sư Henry Louis Gates của Andrew Mellon Foundation tuyển người chuyên môn cho trung tâm sưu tập bản thảo Ả rập Ahmed Baba, ở Timbuktu. Tôi được nhận. Tôi xin phép nhà dòng đi làm thử. Nhà dòng cho phép đi ngay. Ra đây rồi, không muốn về tu viện nữa.”
“Ừ, ở đây đâu khác gì trong tu viện!”
“Khác nhiều chứ anh. Ở tu viện coi vậy cũng chật chội, huyên náo lắm, ý tôi muốn nói cái tâm trí của mình. Tôi cũng đã cố kinh kệ, suy niệm, nhưng rồi cũng chẳng đi tới đâu. Rồi những cái đẹp trong nghi lễ phụng vụ, trong tiếng nhạc, thánh ca hay, trầm hương thơm ngát, nến sáng lung linh, có lúc làm cho tôi chảy nước mắt, ngất ngây tưởng như Chúa đang chiếm lòng mình, nhưng nghĩ cho cùng, đó chỉ là những phản ứng mang tính thẩm mỹ. Ở đây giữa sa mạc này, người ta không có, không còn gì cả, hoàn toàn trần trụi…”
“Vâng. Cô có những suy nghĩ khác người.”
Con nhỏ cười:
“Mẹ tôi nói tôi điên điên như cha tôi… Thích học, thích làm những chuyện không giống ai.”
“Vâng. Mà cô làm ở đây lâu chưa và còn làm được lâu nữa không?”
“Tôi làm được một năm rồi và hi vọng còn được làm lâu. Giáo sư Gates cho tôi biết là hiện giờ Foundation có cho ông 48.000 đô la để tài trợ cho dự án; không biết khi hết tiền rồi, trung tâm sẽ ra sao. Nhưng nghe anh Hairada nói, nhờ loạt phim của giáo sư về bản thảo cổ của trung tâm được chiếu trên TV, mấy nước Ả rập có lưu tâm.”
Rồi cô cầm tay Nam dắt về phía bờ sông, chỉ cho giàn rau thơm: húng, răm, tía tô, sả, quế, ớt…:
“Anh Hairada hồi đi dự hội nghị ở Paris, mua về làm quà cho tôi đó. Anh chàng có con mắt thật tinh đời.”
“Cô ở đây vắng vẻ như vậy không sợ à?”
“Ý anh muốn nói là bọn đàn ông?”
“Vâng.”
“Người đạo Hồi nói chung họ tử tế, và trọng cái dũng cảm, nghĩa hiệp. Đối với họ, chuyện tôi thân gái ở đây một mình là dũng cảm, và làm một công việc nghĩa hiệp, dù rằng đối với tôi chỉ là lối sống tôi thích. Không ra ngoài cái tôi ích kỷ. Vả lại, lúc nào cũng sợ chết thì làm sao sống?”
“Bố mẹ cô thì sao?”
“Mẹ tôi mất rồi. Còn cha tôi, có mà như không, mẹ tôi không hề cho tôi biết. Tôi tôn trọng sự chọn lựa của bà. Nói thật, có ông đến đây, tôi rất vui.”
“Cảm ơn cô. Tôi cũng vậy. Tôi cứ ngỡ đang ở với gia đình.”
Cô gái cười càng tươi: “Tôi cũng vậy.” Và đưa tay nắm tay anh. Hai tay cùng nắm chặt.
***
Nam ở Timbuktu một tuần. Tôi chưa bao giờ sung sướng như vậy, Nam nói với anh Hairada.
Anh Hairada cười:
“Vâng. Người đồng hương gặp nhau ở xứ người đã mừng, mà lại ở sa mạc lại càng mừng hơn, phải không ông? Cô Ithinin Qamaran có bữa, khi tôi thắc mắc tại sao cô ra làm việc ở đây, cô ấy bảo: ‘Phía bên kia ốc đảo mất trí là sa mạc nồng nàn.’“
“Ithinin Qamaran?”
“Cô gái đồng hương với anh đó!”
Nam giật mình:
“Ấy chết, chuyện trò quen biết cả mấy ngày nay mà tới nay chúng tôi vẫn chưa biết tên nhau.”
“Người nước anh thiệt lạ kỳ!”
Nam làm bộ đưa tay vái:
“Thôi, anh cho tôi xin.”
“Đùa anh cho vui thôi. Quen với Ithinin Qamaran lâu, tôi hiểu người Việt nhiều hơn. Người Việt thật đáng yêu mà cũng khó hiểu.”
“Là sao?”
“Ví dụ, khi tôi hỏi tại sao cô ta lấy tên Ả rập Ithinin Qamaran. Cô ta không nói, chỉ cười cười, rồi lại buồn buồn. Tôi đoán là cô ta có kỷ niệm yêu dấu mà buồn gì đó nơi đảo Kamaran5 , cô ta mới lấy tên như vậy.”
“Lòng dạ đàn bà khó hiểu, lòng dạ đàn bà nước tôi còn khó hiểu trăm lần.”
Anh Hairada đưa hai tay lên trời, cười lớn:
“Hoàn toàn đồng ý với ông.”
Nam chia tay với Ithinin Qamaran (Nam vẫn không hỏi tên Việt của cô nhỏ), sau bữa cơm Việt Nam có nước mắm ớt, có canh chua cá dứa sông Niger. Cô nàng cầm tay Nam và hôn nhẹ lên má Nam. Nam chảy nước mắt lặng lẽ.
“Cảm ơn anh đã đến thăm tôi. Anh về Na Uy bình yên!”
“Tôi cũng cảm ơn cô đã cho tôi những ngày đáng sống nhất.”
“Xin ông đừng bi lụy. Những rối rắm đời người biến thành của báu. Nơi sa mạc này lúc nào cũng phảng phất những thương nhớ xa xưa.6”
“Mong được như vậy.”
“Mãi mãi sẽ như vậy.”
Chuyến về, Nam đi ghe. Nghĩ ngợi miên man như sông.
***
Về đến nhà ở Na Uy, anh nhận được thư chúc Tết của nhiều người từ Việt Nam, trong đó có thư chị Hai của Nam. Ngoài thăm hỏi, chúc Tết, chị viết:
“Lâu nay mẹ cứ trách chị không chuyển cái ý cha Long, bạn em, cho em. Cha nhờ xin em giúp đỡ đứa con gái rất thông minh của một người đàn bà nghèo khổ đến xin cha giúp. Thực ra chị có gặp người đàn bà nghèo khổ đó và đứa con gái của chị ấy. Và cha Long đã gởi gắm đứa con gái nhỏ đó vào ở chung với nhóm nữ tu tiểu muội ở Bình Triệu để tu tập và học kiếm ba chữ. Chị có lấy một phần tiền em gởi biếu chị, chị gởi cho các dì bề trên hàng tháng để phụ chi phí cho con nhỏ, bởi chị cũng làm ăn không đến nỗi nào, và giúp những người có ơn thiên triệu là điều đáng qúi trọng.
Sau này chị được cho biết: Con nhỏ học giỏi, nên về sau khi nhà nước dễ dãi, nhà dòng gởi qua nhà dòng mẹ bên Pháp học, rồi sau đó qua tu bên Phi Châu. Được một thời gian, nhà dòng sai đi ở một nơi khỉ ho cò gáy bên nớ và và nghe nói thời gian sau bị bệnh ngã nước mà chết. Mẹ nó đã bệnh tật, ốm yếu, nghe tin dữ, đâm bệnh nặng, cũng chết theo luôn.
Nghe cha Long nói là chị ấy có kể hết cho cha là ngày xưa tên chị ấy là Hằng Nga, chứ không phải tên Năm, và một thời là người yêu của em đó, Nam ạ, và đứa con gái đó là con của em, tên nó là Minh Nguyệt. Chị ấy có thai không lâu trước khi em đi vượt biên; ngần ngại chưa cho em biết, thì em vượt biên. Chị ta sinh con, giận em bạc tình, và vì tự ái không muốn liên hệ với nhà mình.
Cha Long còn nói là con nhỏ Minh Nguyệt đó rất thích số sách mà em bỏ lại, mà sau đó mẹ biếu cho cha; nó cuốn nào cũng đọc; một phần nhờ đó mà nó giỏi, và có chí hướng. Vậy mà nó lại phận mỏng tội nghiệp. Mẹ nó trối là em làm sao cũng phải cố gắng kiếm hài cốt của nó đưa về Việt Nam cho nó được nằm bên mẹ nó, hay là em hốt đưa về bên em cũng được, cho nó gần cha nó.
Mẹ mình, trước khi mất cũng rất hối hận, vì khi trước em gởi thư nhờ tìm cô Hằng Nga mà mẹ cứ cản, cả chị cũng vậy, vì muốn cho em yên tâm học hành, vả lại, sau này khi thấy gái không chồng mà lại có con, mà chắc chi đã là con của em… Trong xã hội mình, em biết đó, ai mà coi hạng người đó ra chi! Đã Nga, rồi còn Nguyệt, hai trăng mà cuộc đời tối tăm đến như rứa.”
***
Sau này, Nam cố điện thoại cho cô gái Việt sa mạc, không được, và cho cả anh Hairada, cũng không được. Có lẽ nước Mali nó thế, thủ đô Bamako còn khó liên lạc, nói chi Kimbuktu. Viết thư cũng không thấy hồi âm; chắc bưu điện Mali cũng bất thường nốt. Gởi e-mail cũng vậy, cũng không thấy gì; chắc lại bị tường lửa của mấy phe Hồi giáo cuồng tín.
Nhưng một ngày anh nhận được e-mail từ anh Hairada:
“Nhân có dịp đi Paris dự hội nghị, tôi cố gắng gọi cho anh, mà máy anh sao bị bận hoài, tôi viết gởi anh đôi lời.” Và sau khi thăm hỏi thông thường, thì tới đoạn:
“Cô Ithinin Qamaran không còn làm ở viện và chúng tôi đã kiếm được người thay thế. Giáo sư Gates rất tiếc về sự ra đi của cô ấy, một chuyên viên giỏi và tận tâm. Cô ấy nói cô ấy cần ra đi, vì cảm thấy đã tới lúc cần được yên nghỉ bên mẹ, bên cha, vì đã xa quá lâu. Giáo sư Gates, một người trước đây đã phục vụ lâu năm ở Việt Nam, và am hiểu phong tục Việt Nam, nói với tôi như vậy, với vẻ cảm phục.”
Oslo, 30 XII 2007
Chú thích:
1La Bible de Jérusalem: Kinh thánh bản Jerusalem là bản dịch Kinh thánh công phu, dưới sự hướng dẫn của Trường kinh thánh và khảo cổ Pháp ở Jerusalem (l’École biblique et archéologique française de Jérusalem). Được thực hiện bởi những chuyên gia hàng đầu, bản Kinh thánh nầy thực sự trở thành cuốn Kinh thánh được phổ biến nhất ở Pháp, và trở thành một công trình “cổ điển”. (Wikipidea)
2Nhà đông phương học người Pháp, René Basset đưa ra một lời dịch khác khả dĩ chấp nhận hơn: Trong tiếng Beber, một thổ ngữ khác của người Tuareg, thì “tin” có nghĩa là “nơi” và “buqt” có nghĩa “”xa xăm”, vậy “Tin-Buqt(u)” có nghĩa là là một nơi tận cùng bên kia thế giới, thế giới đây là sa mạc Sahara. (Wikipedia) / Phát âm đúng là Tin chứ không phải Tim.
3Dominus te cum: Chúa ở cùng Bà (con người): Lời của thiên sứ Gabriel truyền tin cho Đức Mẹ Maria, trong kinh Kính Mừng (Avemaria). Mời nghe Dolores O’Riordan hát bài Avemaria trong YouTube; tận cùng dấu yêu!
4Của Hàn Mặc Tử.
5Tên một hòn đảo ở Địa Trung Hải. Khi trăng sáng, đảo như hóa thành vầng trăng thứ hai, nên gọi là (đảo) Kamaran: (đảo) Hai Trăng. Âm Q, trong tiếng Ả rập, thành âm K khi dùng làm địa danh; Qamaran thành Kamaran./ / Qamar: trăng (số ít); qamaran: trăng (số nhiều) hoặc 2 trăng mà không cần dùng số 2; nhưng dùng Ithinin (2) trước qamaran cho rõ nghĩa “hai trăng” cũng được.
6Của Hàn Mặc Tử.