Nguyễn Văn Thà

Một linh mục thừa sai
Làng An Bình nằm cạnh khu rừng có chùa và mộ Thầy Thím có tiếng linh thiêng. Dân ở đấy phải nói là an cư lạc nghiệp vì ruộng vườn cho họ lương thực, núi rừng cho họ mái nhà, bếp lửa; ấy là chưa kể là những láng hoa mai vàng thả hương lừng không gian dọc đường lên ngôi chùa cổ nằm lưng chừng ngọn núi. Và lòng họ an lành như những tiếng sóng về khuya. Sóng ở đây, dù vào mùa biển động, chỉ là tiếng gầm của loài thuồng luồng ai đó đã vỗ về đưa trở về với cõi Vô Cùng. Nó chỉ gầm để tự giới thiệu sự hiện hữu của mình, nhưng rồi chẳng được tạo vật nào để ý, vì mọi loài đều bận rộn khoe cái thanh, cái sắc. Cứ hỏi những vạt hoa muống biển tím ngát, và những hàng thuỳ dương xanh ngắt cũng đủ biết.
Và vị sư trụ trì xem ra cũng không khuấy động gì nhiều: Chuông chùa bữa có bữa không, khi khoan khi nhặt, đôi bận gầm như thú giận, đòi phen ri rỉ côn trùng. Nói chi chuyện kinh kệ, đăng đàn thuyết pháp. Ðã lâu lắm rồi thì phải, dám cả mấy chục năm mà thầy chưa một lần mở miệng. Có kẻ bức bối chuyện nghĩa kinh lên tìm thầy; may thì gặp thầy ngồi vắt vẻo trên cành cây thanh trà vuốt ve từng chùm trái mọng mỉm cười; không may lại gặp thầy hoá đá bên suối làm bàn thạch cho khỉ đưa mông chà đít. Riết người ta cảm thấy thầy có đó mà như không. Người ta không chắc thầy sống hay chết.
Thế rồi một hôm cha Gabriel đến sống ở giữa vùng đất Thầy Thím ấy; và mục đích của các vị bề trên rất rõ ràng: Cha đến đó để truyền giáo. Truyền giáo là một sứ mạng đòi hỏi cha phải hoạt động nhiều mặt. Cha khuyến giáo đám dân ngoại đạo. Dần dà có dăm gia đình theo đạo; nhưng rồi đám tân tòng đó đi lễ vài bữa rồi lại lặn đâu mất.
Một vài năm sau, nhân có chính sách dinh điền, ngài nảy cái ý đưa dân di cư có đạo gốc vào định cư ngay giữa vùng đất Thầy Thím ấy với sự hổ trợ tài chánh của chính phủ đương thời và các cơ quan từ thiện bên Pháp. Rừng núi được khai hoang. Tiếng người rộn rã hơn xưa; tiếng đọc kinh, tiếng hát và tiếng chuông nhà thờ dần dần nhận nhìm tiếng chuông chùa vốn chẳng chuộng gì phù thế. Cái không khí huyền bí trăm năm lui vào thiên cổ như những câu đối tàn phai trước cửa tam quan loang lổ gió mưa.
Nhưng trong cái xứ đạo mới ấy, có hai sự cố hay làm rộn miệng nhiều nhất: xe chiếu bóng chi thông tin về làng, và chuyện chửa hoang. Xe chiếu bóng về một đêm là hết chuyện, nhưng chuyện chửa hoang sẽ dài dài trên cửa miệng người đời từ khi bụng của cô gái liều mạng nào đó hết giấu nổi cho tới khi cô chết xuống lỗ. Ðó là đề tài nói đã miệng nhất, trơn miệng nhất, và cũng là cơ hội bằng vàng cho các bà già có, sồn sồn có, tự gắn cho mình cái huy chương đức hạnh. Chỉ cần nhìn vào đôi mắt thường ngày đờ đẫn mệt mỏi chuyện áo cơm, thế mà mỗi khi kháo nhau chuyện chửa hoang lại long lanh rỡ ràng, thì cũng đủ biết cái hạnh phúc mà chuyện chửa hoang mang đến cho các bà to lớn đến là nhường nào. Những dịp kháo nhau có thể là khi ngồi chồm hổm ăn bánh bèo, trên đường đi lễ về, hoặc giả những buổi trưa hanh hanh rỗi rãi bươi tóc tí tách cắn chí… Chửa hoang quả là một chuyện bi hài, đầy tính hí trường.
Tôi dùng chữ “hí trường” với cái nghĩa đen của nó.
Trùm Thành là người chủ trì cái hí trường đó. Ông là dân Vinh, vợ kẹt lại ở ngoài nớ. Vào Nam đã gần mười năm mà ông chỉ sống một mình, không lấy bà nào, cũng không làm chuyện tội lỗi với ai cả. Ông hơi lùn, da đen xỉn, hàm răng nhuộm đen đâu từ ngoài nớ, khít rịt kể cả lúc nói, không hút thuốc cũng không ăn trầu, má hóp. Nói tóm, mặt ông giống hình của HCM in trong tờ giấy bạc cũ của chính phủ Việt Minh.
Nhưng ông trùm Thành là người vốn dĩ hiền lành. Nhà ông có một cây khế ngọt xum xuê quả, trẻ con có thể đến xin khế không chút ngại ngùng sợ hãi. Cái hiền lành lộ ra trong giọng nói thường ngày; nói chi những lúc xướng kinh trong nhà thờ, giọng ông thật ngọt ngào, ví dụ như khi ông xướng “Tôi đội… ội ơn Chua… úa tôi đã làm phước cho tôi bấy nay…” sau khi rước Mình Thánh Chúa, chưa nghe dứt câu tôi đã ngủ gục ngay bởi vì giọng ông êm đềm còn hơn tiếng ru của bất cứ bà mẹ quê nào.
Ông được cha Gabriel (lúc này đã được bề trên chuyển đi coi sóc xứ đạo chính Sơn Thổ, cách làng An Bình cả ba chục cây số) giao cho chức trùm trưởng thay mặt cha coi sóc họ đạo.
Và ông đã tự dựng lên một loại “toà án giáo dân” để hạch hỏi những vụ chửa hoang. Không biết ông cha tây có biết vụ này không, nhưng tôi không thấy cha can thiệp gì cả. Xem ra cha còn bận bịu những chuyện quan trọng khác như đi xin đồ viện trợ cho dân dinh điền, bận xây dựng các trường ốc và còn bận đi săn, nên chẳng biết.
Trong phép đạo mang tính cách làng xã Việt Nam, xem ra cái điều được đề cập nhiều nhất và nghiêm khắc nhất là những khoản phạm đến Ðiều Răn Thứ Sáu1: Chớ muốn vợ chồng người. Cho nên trong làng mới có phương ngôn: “Ðâm người, rồi người ta cũng sẽ quên, nhưng nếu ả mô chửa hoang, đến đời cháu đời chắt người ta vẫn còn chưởi thúi đầu.”
Khốn khổ cho thân cô Bông, đã biết thế mà còn phạm cái điều còn ghê gớm còn hơn giết người, đó là đã dám sinh người, nhưng trong trường hợp của cô, sinh người mà lại chưa cưới xin, hoặc nói theo chữ nhà đạo: Cha chưa làm phép. Ðó mới là cái đại hoạ của cô.
Vào những năm đầu thập niên sáu mươi, số người lương, hiểu là những người theo đạo Phật, hoặc theo đạo Ông Bà trở lại đạo Công giáo khá nhiều. Những người lương đó cứ cho những người trở lại đạo là những người theo “đạo ông Diệm”, hoặc “đạo thằng Diệm” trong trường hợp người nói đó còn có dây mơ rễ má với phe trong rừng. Những người như thế sinh sống khá nhiều ở vùng Gò Bàng. Gò Bàng nằm giữa một vùng đất cằn cỗi, nên đất gò lại càng cằn cỗi hơn. Người ta phải nghiến răng, trần thân hạ cây, đào từng gốc cây, bươi từng cọng rễ tranh để kiếm sống; vì vậy, khi đã trót tin vào cái gì, dù là tin dại, thì lại nghiến răng gồng mình tin, ví dụ, tin là các “anh-trong-rừng” là những người yêu nước; và những ai chống lại các anh trong rừng là những người đáng xả làm đôi. Ông Diệm, với những thuộc tính của ông, như chống những anh trong rừng… và theo đạo “của Tây”, dĩ nhiên cũng bị họ ghét. Ông Diệm mà còn bị ghét thì cái ông Thu, một người cùng với họ trôi nổi từ cái xứ Quảng chó ăn đá gà ăn muối vào, mà lại trở lại đạo, thì lại càng bị ghét tợn. Ðã thế ông còn cất công lội bộ cả chục cây số để đi đến nhà thờ xứ đạo gần nhất xem lễ Chúa Nhật, trong khi cái chùa Vĩnh Lạc chỉ cách nhà ông có mấy bước. Ông và gia đình đúng là một cái gai, hay nói đúng hơn, là một bãi phân trâu nằm chình ình giữa vùng đất của những con nhà cách mạng đó. Nhưng ông là một người hết lòng vì đạo, và dạy dỗ bầy con năm đứa như thế. Cô Bông là con gái đầu lòng.
Có tin cố Gabriel mở dinh điền An Bình. Sau khi đi coi đất, ông Thu, bán cả gia sản, đưa ngay cả gia đình vào An Bình định cư, bởi ở đấy ông sẽ được ở gần “nhà thờ nhà thánh”, hơn. Và ông hên: Cái “nhà thờ nhà thánh” ấy lại nằm sát bên lô đất ông bắt thăm được; và tuy đó chỉ là mái nhà thờ lợp tôn nhỏ bé, nhưng ông có thể đi nhà thờ sáng chiều, và nếu bận, có thể nghe tiếng kinh dặt dìu sớm hôm. Ngoài ra vùng An Bình là một vùng đất pha cát. Ðất rẫy pha cát, trồng dưa hấu thì phải biết! Ông rất thích trồng dưa, nghề ruột của ông.
Khi từ Gò Bàng vào An Bình, có cái anh Tư Lài lại bỏ vợ đi theo ông vào vùng đất mới, cũng để giữ đạo cho trọn, bởi chính Tư Lài muốn trở lại đạo nhưng kẹt một nỗi bà vợ là “dân cách mạng” thứ thiệt, nhất định không theo đạo. Thế là anh bỏ bà ta ở lại Gò Bàng vào An Bình. Anh (và đứa con trai đầu) được ông Thu trong những ngày đầu chân ướt chân ráo, giúp đỡ cho ở trong nhà, vì dẫu sao ông Thu còn có chút ít vốn chấn đưa từ Gò Bàng vào.
Tôi khỏi cần tả lại tướng mạo của anh ra đây mà làm gì, chỉ cần biết là các bà mẹ trong làng bắt đầu thay đổi thói quen có từ đời ông cố ông vải: Thay vì kêu ông Kẹ, lại bắt đầu kêu Tư Lài để dọa những đứa nhóc không chịu ngủ mà cứ lì lợm lay nhay vú các bà. Cũng có thể ông ta có cái gì khác hấp dẫn, chuyện đó một thằng nhóc tì như tôi hồi đó không thể biết đặng, nhưng hầu như mọi người trong dân làng chẳng ai thấy anh Tư Lài có cái gì đáng gọi là ngon lành cả. Nhưng cô Bông là một cô gái ngon lành. Mấy chú thanh niên trên đường đi nhà thờ đọc kinh tối về, đi sau lưng cô Bông, hay thì thầm vào tai nhau những câu đại loại như: “Tau túi qua mới bóp vú con Bông; đạ quá trời!” hoặc “Con ma nớ đĩ ngựa; túi qua, tau gặp ả đi thả hương ở mô mò mò về, qua ngỏ bà Giá; tau vổ mông ả một cấy, ả không nói chi còn cười hí hí nửa chớ!” Thực hư ra sao không biết, nhưng chuyện vú vê ngon lành, cặp mông to tròn nây nẩy không phải chỉ cô Bông mới có, vì cô cũng như các cô gái làng hằng ngày làm việc xốc vác, lại tương đối có cái ăn: lúa gạo, cá mắm, khoai củ. Và vú cô Bông có gì khác vú các cô khác không mà hấp dẫn đến thế, tôi nhỏ quá không biết được, nhưng mông cô Bông quả có khác mông các cô khác: Ðó là một cái mông có gân.
Lần đầu tiên người ta và thằng-nhóc-tôi khám phá chuyện cô Bông có cái mông có gân là hôm cô Bông, cùng với các thiếu nữ khác, chia làm bốn nhóm, mỗi nhóm tượng trưng cho một sắc hoa, múa dâng hoa Ðức Mẹ. Chiều đó, cô Bông mặc chiếc áo dài trắng và một chiếc quần trắng hợp với màu hoa trắng. Cái anh dạy dâng hoa thật có con mắt: Cô có cái vẻ ngây thơ, trong trắng như những cành hoa trắng cô hái dâng cho Ðức Mẹ; ấy là chưa kể cái giọng hát chưa nặng mùi tục lụy, chưa vướng phải hơi trai; nó có cái nhí nhảnh, trong sáng của những tiếng chim ban mai.
“Hoa nay.. ỳ hoa trắng tô… ồ.. ốt tươi. Hái dâng là dâng Ðức… ực Mé. Hoa…oá này là hoa trắng tốt…ồ…ốt tươi…”.
Cô Bông vừa hát vừa lượn vòng quanh một chòm cây con giả làm núi, cao khoảng hai thước tây. Rồi cô rướn người lên hái chùm bông trắng mọc trên cao ngọn giả sơn ấy. Ngay lúc ấy, tôi thấy chẳng mấy ai nhìn lên toà Ðức Mẹ, cũng chẳng mấy kẻ để ý đôi bàn tay đang hái hoa của cô, dù đó là bàn tay búp măng, trắng trẻo nuột nà so với những bàn tay của các cô khác, hay vào đôi cánh tay dài thuôn thả và cái thân hình mềm mại, cho bằng để ý nhìn chiếc mông của cô (đã được ởm ờ nhập đề với đường xẻ tà có nhỉnh hơi cao.) Tôi không biết những anh thanh niên bên cạnh, trước và sau tôi, có đực mặt ra nhìn cô, hay lại đang “chiêm ngắm” dung nhan Ðức Mẹ Từ Bi.
Cái thắc mắc ấy được giải đáp thoả đáng ngay:
Thoạt đầu có tiếng xì xào, rồi tiếng xì xào đó oà vỡ như sóng mùa biển động xô ghềnh. Trong khi tôi rất đỗi ngạc nhiên chưa hiểu nguyên do, thì anh Nam, anh thanh niên nổi tiếng là cù lần nhất trong họ đạo, bỗng thốt lên vừa đủ nghe, nhưng lại òng ọc như nồi cháo đặc đang sôi mà lại bị nắp vung ém lại: “Trời đất, mông con Bông có gân; lại gân đỏ nửa trời ạ!” Tôi lúc đó chỉ là một thằng nhóc, mông có gân và lại gân đỏ là cái sự lạ lùng quá thể. Một khi anh Nam đã định vị trí của cái sự lạ lùng đó như thế, thì tôi không cần phải quay ngang lại hỏi han thêm mà làm gì cho mất thời giờ, và biết đâu anh ta lại lấy quyền huynh trưởng trong họ đạo tạt tai tôi, rồi còn mắng: “Cấy đồ con nít con nôi mà cứ lộn xộn!”, tôi bèn phóng ngay tia mắt vào ngay vị trí đã được anh Nam chấm toạ độ. Và lần nầy tôi thấy tận mắt cái duyên cớ của tiếng xì xào: Cái gân ấy chính là đường viền của chiếc xì líp của cô. Còn cái gân xì líp ấy là màu đỏ hay màu gì, thì tôi không thể nào nhìn thấy được. Nhưng tôi tin anh Nam nói đúng, vì anh, tuy nổi tiếng là cù lần, nhưng lại được cái là người có đôi mắt sáng nhất trong xóm biển. (Khi đi biển anh là người ngắm sao Rua định vị trí những hòn rạn, nơi cá hay tụ tập, một cách rất chính xác, kể cả những hôm sương mù; và anh còn cả quyết là sao Rua có hôm chín cái, có hôm mười cái, chứ không phải chỉ chín như trong câu ca dao: Sao Rua chín cái… )
Một thời gian ngắn sau, cái sự gân đỏ hay gân xanh đó được khẳng định ngay bằng một câu đồng dao, không biết ai đặt, được bọn trẻ hát ra rả và được mọi người ngấm ngầm công nhận: “Ả Bông, gân mông chỉ đỏ.” Trong sử Ta, sử Tàu có những câu đồng dao, tuy khơi khơi, mà đã góp phần làm sụp cả một quốc gia. Thế mà mà xem ra câu đồng dao kể trên chẳng có tác dụng gì đến cô cả. Bằng cớ là mỗi khi cô Bông vác cuốc đi làm rẫy, trong nhà nhìn ra, tôi thấy chiếc gân mông của cô vẫn cứ thách đố nét hằn phía sau làn vải thô quần đi làm màu đen của cô. Cũng cần ghi nhận thêm là nhà tôi gần và cùng một dãy đường cái với nhà trùm Thành; có nghĩa là cái mông có gân của Bông đã từng làm xốn xang mắt ông và giáo dân cả họ hôm nọ dâng hoa cho Ðức Mẹ, làm sao bây giờ thoát khỏi của đôi mắt thẩm phán của con người giữ giềng mối họ đạo đó được.
Ngày ngày cô vẫn nhơn nhơn vác cuốc đi làm rẫy cùng với Tư Lài. Có những chiều hôm cô thong dong về nhà, tiếng cười nả nớt giữa trăng trong. Người ta cứ ngỡ chuỗi cười nối kết đâu với muôn kiếp trăng sao, nếu không có tiếng cười khục khặc của Tư Lài chặt tàn nhẫn chuỗi ngọc thần tiên ấy. Tiếng cười của gã nghe như tiếng cú rúc mở màn cho một mùa hủy diệt. Người ta, nhất là các bà các cô đứng đắn ghét cay ghét đắng tiếng cười trăng vỡ của cô Bông, và dán cho cái nhãn hiệu là tiếng cười đĩ ngựa; trong khi đúng ra các bà phải ghét tiếng cú rúc của Tư Lài thì mới phải lẽ. Không ưa tiếng ngọc vỡ: Mấy mụ đàn bà đó thiệt là kì! Cái gì đã bóp méo khả năng thẩm định thẩm mỹ của họ vậy? Nhưng rồi cũng phải phục tài của mấy bà, vì các bà đáng là bậc thầy về cái ngành đoán nhân cách qua tiếng cười, (mà giới tâm lý gia Tây ngày nay gọi rườm rà là ngành tiếu-học.) Vì, quả thật, chẳng bao lâu, vào tháng ngắm nguyện kỷ niệm mùa thương khó của Chúa Kirixitô, cái bụng của cô Bông to thấy rõ. Tiếng ngắm nguyện sự thương khó của Chúa và tiếng xì xào bàn tán về cái bầu của cô Bông, không biết tiếng nào trội hơn. “Bông với lại hoa, hoa cứt chó thì có!” “Hèn chi con gà mái nhà tui cứ gáy hoài!” “Tui đoán không sai: Cái thứ con gấy con hái mà cười nhả nhớt như rứa thì không ra chi!” “Cái thằng Tư Lài rập, chơ ai vô đó!” ” Cặp nhau chi mà như sam!” “Lửa gần rơm có ngày cũng cháy.”
Và khi cái bụng cô Bông đã lộ hình lộ tướng không còn cách chi dấu diếm được nữa, thì một hôm, sau giờ ngắm sự thương khó Chúa trước giờ ngọ, ông trùm Thành đứng ra giữa nhà thờ dõng dạc tuyên bố: “Sau giờ ngắm mời bà con anh chị em tụ họp tại nhà ông trùm Hoàn để chứng kiến vụ xử ả Bông.” Không nghe ông nói rõ cô Bông phạm tội gì, nhưng mọi người biết ra ngay. Ðám đông tỏ ra hớn hở tỉnh táo, tuy rằng mới trước đó, khi nghe ngắm thương khó, ai cũng bơ phờ, có kẻ còn ngủ gà ngủ gật; và, không cần về ăn trưa vội, dù bụng đã đói lắm, họ hăng hái đến nhà ông Hoàn nghe trùm Thành xử án.
Ðám đông đông nghẹt; có kẻ đứng; có kẻ ngồi chò hỏ hoặc ngồi bệt; có kẻ ở trong; cũng có kẻ đứng ngoài chỏ mặt nhìn qua khung cửa sổ cái tre; lại có những anh xé vách lá lom khom nhìn vào bên trong, nhìn vào một lúc lại quay mặt ra cười hê hê với mấy cô con gái đồng trang lứa, rồi lại đụ má đụ mẹ om sòm. Người ta có cảm tưởng đây là một sòng xóc bầu cua khổng lồ mà người thua chắc chắn là cô Bông đang ngồi bệt giữa nền đất bùn nện. Cô đầu chúi về phía trước như con chim nhỏ đang cố gắng đưa tấm thân nhỏ bẻ chống chỏi với mưa bão đang phủ chụp một mình giữa đồng không mông quạnh. Ví von như thế, có trật bản lề chăng? Quanh cô có cả hàng trăm đồng loại đang rất chú ý quan tâm đến cô, đang cố gắng đưa cô về đường ngay nẻo chính mà! Người đang nhân danh Chúa đưa cô về con đường đạo nghĩa chính là trùm Thành. Và mùa-chay-bốn-mươi-ngày2 năm đó người ta đã bâu xem hàng chục lần tấn tuồng miễn phí ấy. Tôi cũng xem. Tôi lúc ấy là con người của đám đông, một con cừu như hàng trăm con cừu khác, khi thì cười be be, lúc lại cười be bé với mọi người, như mọi người. Tại đang khoái quá mà! Cái khoái của những đứa con nít ném đá vào người mù mà cứ tưởng đó là trò vui. Và cô Bông ngồi khom, người hơi chúi về phía trước; tuy ngước mặt lên không đặng, nhưng cặp mông cô vẫn nây nẩy và hai sợi gân mông cắt hình tam giác vẫn hằn lên rất bình thường. Và như hôm dâng hoa, bà con chòm xóm lại cứ đăm đăm nhìn vào hai cái sợi gân đó. Có kẻ tức ứa máu, thường là mấy bà; cũng có kẻ khoái ra mặt, thì chẳng ai khác hơn là các đấng thanh niên, đàn ông. “Ðồ cái thứ mặt dày mày dạn!” – Mụ Bê, hội trưởng Hội Các Bà Mẹ Công giáo, vừa đưa ống quần quyệt môi trầu đỏ loét, vừa rủa. Không biết kẻ bị rủa là những anh liền ông đang hau háu ngó vào mông cô Bông, hay là rủa chính cô Bông với cái gân mông của cô, bị tấn công tứ thời bát tiết, bằng mọi phương tiện tuyên truyền kỳ cựu nhất, mà xem ra cô vẫn coi như pha.
Cụ trùm Thành hắng giọng, rồi:
– Ả đã gia nhập Hội thánh của Chúa đã lâu chưa?
– ……
– Rứa cái tội ả đã phạm là điều răn thứ mấy, có biết không?
– ……
– Rứa ả đã ăn nằm với ai, và nằm ở chổ mô mà lại có thai như rứa?
– ……
– Bộ dẫm phải nước đái trâu đực chắc?
– …..
Mặt trùm Thành đen trở thành xám như trời sắp dông lớn.
Và cả chục lần lấy cung tập thể như thế trong suốt mùa thương khó, cô Bông vẫn ngồi đó. Cúi đầu. Ðưa chiếc mông có gân ra bình thường như mọi lần, và cô chẳng hề hé môi điều gì. Cô chẳng chịu khai cái người đã làm cho cô có bầu là ai.
Nhưng mọi người đều chắc như đinh đóng cột là Tư Lài chính là cha đứa nhỏ trong bụng chứ còn ai vào đó; bởi ông Thu đã dại dột chứa anh ta trong nhà. Cái giống đàn ông đã trui lửa mà còn cho ở cạnh con gái hơ hớ xuân xanh, thiệt là ngu hết sức, người ta kháo nhau như vậy. Và hễ cứ một kẻ dốc lòng trở lại đạo, dốc lòng theo Chúa là kẻ ấy coi như đã trừ khử được mọi cám dỗ xác thịt hay sao? Có cái lạ, người người đã nghi Tư Lài là chính danh thủ phạm, mà lại không thấy trùm Thành kêu ra tra vấn chi cả, dù rằng khi làm cái sự ấy chắc chắn không phải chỉ có mình cô Bông; chẳng lẽ anh ta bị cô Bông hiếp dâm?
Vụ án cứ kéo nhây nhưa mãi chẳng thua hội đàm Ba Lê sau này, nhưng người bâu xem vẫn cứ đông.
Thế rồi, một hôm cha Gabriel đi đâu từ ngoài tỉnh về, khi đi ngang nhà trùm Hoàn, thấy có người đông, ngỡ ai đó đang bị bệnh gần chết, cha vội dừng xe lại, tay bưng theo hộp dầu thánh, tất tả đi vào:
– Ai bị bệnh gì vậy ông bà? – Cha hỏi bằng tiếng Việt. (Cho tới lúc viết những giòng nầy tôi chưa thấy người Tây nào nói tiếng Việt sõi như ngài.)
Mấy người đứng ngoài ú ớ:
– Dạ, dạ…
Trùm Thành từ trong nhà, vẹt người ra hai bên, khúm núm:
– Dạ thưa cha, chúng con đang hỏi tội cô Bông đã có con hoang với ai?
Ông cha tây tái mặt.
Trùm Thành vẫn tiếp tục phân phô:
– Con đã tra hỏi hàng chục buổi mà chị ta vẫn không chịu khai.
Cha Gabriel, người mà các bà ví có cái dáng hiền lành như tượng Ðức Mẹ Lộ Ðức, hét lớn:
– Xe bác ba! Xe bác ba!3
Rồi cha hầm hầm đi ra xe, đóng sầm cửa, rồ máy phóng đi. Mọi người chẳng ai hiểu cha nói gì.
– Rứa, ông cha cố nói chi mi có hiểu không Quang? – Ông trùm Thành thỏ thẻ với thằng hay chữ nhất làng.
– Dạ ngài nói tiếng Tây con làm răng hiểu được, nhưng xem ra cha giận cái chuyện ông đem cô Bông ra xử như rứa…
– Tau làm chuyện phải răng cha lại giận tau mới được chớ?
– Chắc người Tây bên nớ họ khác người mình…
– Khác răng mà khác!? Tây, Ta gì cũng là con một Hội thánh.
– Con không biết, nhưng mới đây hồi vô Sài Gòn thăm cậu con, cậu có dẫn con đi coi phim Pháp. Trong phim có cảnh mấy cô tiểu thư, lưng ong, áo chẽn, ngực lòi hơn nửa, đã vậy còn đeo dây vàng dây bạc có tượng thánh giá nằm lềnh khênh trên vú của mấy ả nớ. Bên mình mà như rứa chỉ có nước tùng xẻo… vú. Rứa mà con thấy các cô nớ vẫn cứ nghiêm trang lên rước lễ như thường. Không thấy cha cố gì quở trách như người mình.
– Người mình phải khác chớ!
– Rứa răng ông trùm khi nãy nói Tây, Ta gì cũng là con Hội thánh.
– Hừm… Thôi, cha đã khó chịu rứa thì thôi!
Nói rồi, ông quay mặt vào trong nhà ra lệnh gượng cuối mùa:
– Thôi cho ả đi về. Từ nay về sau chớ có phạm tội nựa.
Tôi thấy cô nặng nhọc lê tấm thân bầm dập nhục nhằn trên còn đường làng nắng chang chang, và tôi cảm phục cái lòng tin vào Chúa và Hội thánh của cô. Vì nếu không có lòng tin, dù là tin tào lao, vào ông trùm Thành là người đại diện cho Chúa ở cái họ lẽ này, thì làm gì cô phải nghiến răng chịu nhục nhằn rủa sả đến như thế.
Cô đã chịu một cuộc thương khó dai dẳng hơn cuộc thương khó của Chúa Giêsu.
Và mọi sự lại trở lại với nhịp sống sau mùa thương khó ấy. Cha Gabriel vẫn ghé qua làm lễ Chủ Nhật, ngồi toà giải tội, và đi săn.
Cha, trước đó và sau này cũng thế, hay đi săn ở láng tranh cạnh rẫy cô Bông, nhất là những lúc cỏ tranh vừa mới đốt, sau những con mưa đầu mùa, có nhiều nai, nhiều mang ban đêm hay từ trong rừng sâu ra đó ăn cỏ non mới nhú và liếm tro tranh có chất muối. Có nai, có mang, thì có cọp đi theo rình mồi. Cha bắn được nhiều nai, mang ở đó; có một lần cha còn bắn được cọp. Những lần trên đường đi làm lễ về, thường là chiều tối, cha hay ghé vào rẫy nhà ông Thu nằm ngay dọc đường lộ, lấy dưa mà cô Bông đã hái và khéo léo ngâm dưới giếng sâu để dành cho cha ăn cho mát. Cha ôm hai tay hai trái dưa; giọt sao chiều sóng sánh trên vỏ dưa theo dáng đi khấp khởi của cha. Người ta thấy bóng dáng cô Bông bận áo cánh ni lông tím hoa cà thấp thoáng như một mảnh hoàng hôn tím thủy tinh sau hàng dậu thưa đan ken với những chùm bông giấy đủ màu.
Từ sau độ chịu khổ hình, cô ở luôn ngoài chòi dưa.
Tư Lài sau khi chối bai bải chuyện gió trăng, anh ta không ở chung nhà và đi làm chung với gia đình ông Thu nữa. Anh đã phát riêng được mấy sào rẫy mới, cất được mái nhà tranh, và nghe nói sắp sửa kiếm vợ mới.
Rồi cũng tới lúc cô Bông sinh con; Tư Lài chẳng hề đến thăm, vậy mà không biết căn cứ vào đâu lại lên tiếng chối bạo là đứa con gái chẳng phải con anh ta, vì nó chẳng giống anh ta tí nào.
Hôm rửa tội cho con nhỏ Hoa, con không cha của chị Bông, ông cha Tây không biết kiếm được đâu cho con bé một chiếc áo đầm xa tanh trắng tinh, thêu ren, lại còn có cả dây lưng kết nơ lòng thòng sau lưng. Ai cũng trầm trồ khen ngợi. Có bà còn nói: “Con nhỏ rứa mà có phước!” “Cố Gabriel thiệt là nhân từ!”
Rồi cái câu đồng dao giết người không dao đó cũng cùn lụt theo năm tháng. Và mấy đứa nhỏ hát đồng dao đó cũng đã lớn khôn. Ðứa còn, đứa mất; đứa ở lại làng, đứa xa xứ theo vận nước nổi trôi.
Cái-thằng-tôi, phước đức mười đời, canh me, vượt biên được qua tới Mỹ, và được một cha người Mỹ đỡ đầu. Sau đó tôi lại theo gót cha xin đi tu. Ði tu và quên luôn bao nhiêu chuyện trần thế, có khi quên tiệt, kể cả chuyện cô Bông, và bao nhiêu chuyện khác đã xảy ra trong cái làng An Bình eo xèo mưa gió.
Ngày tháng trôi qua, đã tới ngày tôi được lãnh chức linh mục. Khi ấy tôi lại nảy ý định mời cha Gabriel lúc đó đang ở Inđônêxia sang dự lễ thụ phong của tôi. Ngài, sau khi bị Cộng sản đuổi khỏi KT, nơi ngài đang nghiên cứu ngôn ngữ và văn hoá người Cà Răng, đã xin bề trên sang ở Inđônêxia, trong một vùng cạnh ngôi đền nghìn Phật Pura Berharap. Nghe nói ngài lại chỉ lo nghiên cứu thổ ngữ và đang soạn một cuốn từ điển. Nhưng một số linh mục trẻ Việt Nam, có dịp gặp cha trong những lần cha về Pháp kiếm tài liệu và học hỏi thêm các nhà đông phương học ở đại học Sorbonne về phương pháp nghiên cứu các ngôn ngữ nguyên thuỷ, nói là kỳ này ngài trệ lắm, ý nói là ngài cứ ăn nói chẳng ra một cái hệ thống nào cả. Tôi gởi thư cho ngài, giới thiệu tôi là ai, và mời ngài qua tham dự lễ thụ phong linh mục của tôi, do chính đức giáo hoàng đương kim chủ lễ. Nhưng tôi chỉ nhận được một tấm bưu thiếp của ngài gởi từ Inđônêxia, có in hình ngôi đền Para Berharap vĩ đại, uy nghi nhưng cũng trầm mặc như một ngọn núi toàn khối đá hoa cương xanh xanh thái cổ, với dòng chữ Việt đàng hoàng: “Rất cảm ơn T đã nhã ý mời, nhưng tôi không thể trở lại phương Tây được nữa rồi, vì bóng miếu đền đè nặng trên tôi.”
Sau khi lãnh chức linh mục xong, tôi xin phép đi nghỉ. Tôi tính về Việt Nam thăm cha mẹ tôi ngay để cho hai ngài được nở mày nở mặt vì được diễm phúc làm đấng sinh thành của một kẻ vừa lãnh chức thánh trọng vọng. Nhưng tôi tự dưng lại đổi chương trình, quyết định qua thăm cha Gabriel trước. Dường như những miếu đền cũng bắt đầu đang bao vây đường về cõi rộn của tôi.
Hôm gặp cha, tôi thấy chẳng còn nhanh nhẹn trẻ trung như xưa, mà chỉ thấy một ông tây già nhếch nhác: Váy quấn, mình trần, da héo quắt, và bịt vuông khăn sặc sỡ, trông cha giống một tay hippy già hết thời. Cha ở trong một ngôi nhà tranh hai đầu mái uốn cong như chiếc thuyền, mũi hướng về biển Ðông. Chung quanh rào dậu là những cụm hoa bông giấy đủ màu. Chiều tắt nắng, cha với tôi ngồi dưới dàn hoa giấy trước nhà vừa uống trà, vừa ngắm đền Pura Berharap. Chiều ve,à đền càng xanh rợn, nhưng rồi từ từ mất hết đường nét và chỉ còn là một mảng lờ nhờ như một mảng bùn non khổng lồ ai đó ném toẹt giữa hoàng hôn, và bùn rữa nát dần vào đêm đen thường tại mà cõi thế nào hay. Bỗng cha Gabriel chép miệng:
– T biết không: Tôi đã bị ngôi đền này hớp hồn từ lâu? Ngôi đền xây theo trôn ốc, cao tới mấy chục tầng, phải trèo cả mấy ngàn bậc thang với vô số phật ông, phật bà, nhân gian, ngạ quỉ, súc sinh suốt dọc. Có cái lạ là các vị bồ tát: có vị là đàn ông mà lại mang bầu; có vị là đàn bà vú vê mà lại cằm râu; có vị khóc; có vị cười; có vị chổng mông, có vị nằm ngửa; lại có vị nửa nhà sư, nửa ma cô; có vị nửa ni co,â nửa gái giang hồ. Và khi trèo lên được chổ trên cùng, gọi là thiên thượng, người ta đụng vào cái hụt hẫng, thấy là mình dù qua muôn vạn kiếp, chỉ là hư không, vì cái tầng thiên thượng ấy chẳng phải là mái bằng mà lại là một vực sâu khoét luồn qua các tầng kia mà khách du nào biết, bởi vì những bức tường che chắn suốt đường lên. Và khi nhìn lên trên thiên không, khỏi phải nói, ta lại đụng cái hư không chẳng cùng. Pourquoi verte l’Éternité 4? – Thiên thu ơi, sao ngươi xanh màu lá? Buốt giá quá chừng chừng. Ngoài ra có một chi tiết về ngôi đền, mà các triết gia hiện sinh biết được chắc là khoái lắm: Ngôi đền khởi đầu có tên là Pura Menberharap có nghĩa Ðền thờ Thờ sự Thất vọng, Temple de l’Adoration du Désespoir đàng hoàng đấy nhé! Vị minh quân bỏ tiền ra xây và các đời vua sau kế tiếp nhau trị vì một nước Inđônêxia thịnh vượng, mà vẫn chịu cái tên đền do sư tổ Binok đã đặt như thế. Vậy mà chỉ cách đây mấy năm, không biết vì cớ gì mà mấy vị sư thông thái đời nay lại đổi ra là Pura Berharap, có nghĩa là Ðền thờ Thờ sự Hi vọng, Temple de l’Adoration de l’Espoir. Trời mới hiểu được mấy ông sư thời đại mới…
Và T cũng biết đấy, mấy chục năm tôi hoạt động truyền giáo Việt Nam, nếu xét theo con mắt người đời tôi đã là kẻ thành công đấy chứ: Lập được hai làng dinh điền thịnh vượng cho dân Công giáo di cư; xây được hai trường trung học lớn; lập thêm một trung tâm văn hoá Cà Răng và còn hệ thống hoá chữ viết cho họ, lại soạn cả cuốn từ điển Cà Răng – Pháp đồ sộ… Nhưng T có biết lúc này tôi lại nhớ gì nhất không?
Tôi nhìn vào mắt cha dò hỏi, đoán:
– Những cuộc đi săn?
Cha trả lời bằng tiếng Pháp:
– Non, les melons frais de Mademoiselle La Fleur – (Không, những trái dưa tươi mát của cô Bông.)
Oslo, 26.10.00
(1) Ðiều Răn Thứ Sáu: Một trong mười điều răn của đạo Công giáo. Gồm những điều cấm về các loại liên hệ tính dục nam nữ.
(2) Mùa chay bốn mươi ngày, bắt đầu khoảng giữa tháng Hai, mà tuần cuối cùng là tuần thánh, người ta tổ chức ngắm. Ngắm: Suy niệm việc Chúa Giêsu chịu tử nạn. Có hai loại ngắm: Ngắm mười lăm sự thương khó và ngắm rằng. Nhạc điệu của hai thể ngắm rất phong phú, cung điệu bi ai, lời giản dị dân dã. Tương truyền là các cha dòng Tên đã sáng tác từ những ngày đầu thành lập Giáo hội Công giáo Việt Nam. Không biết tới lúc này có ai đã bỏ công nghiên cứu lịch sử và nhất là ký âm hai thể ngắm (và một số kinh khác) đầy tính dân ca nhà đạo đó chưa. Mong! (NVT)
(4) Xe bác ba…: C’est barbare!: Thiệt là mọi rợ! (tiếng Pháp)
(3) Pourquoi…: Tôi không còn nhớ ai đã dịch tuyệt vời câu thơ này của nhà thơ Pierre Emmanuel.