Nguyễn Văn Thà

Đến Na Uy được vài năm, khó nhưng rồi Nam cũng kiếm được việc tuy chỉ là việc bán hàng ca đêm trong một tiệm xăng. Công việc hợp với Nam vì lương đủ sống, và cũng vì được những đêm yên ắng, cái yên ắng bị cuộc sống tước mất đã quá lâu. Đó cũng là lúc Nam đã gần năm mươi tuổi, tuổi của nhiều “đáng lẽ”, những đáng lẽ trong những vấn đề lớn như tình yêu – hôn nhân, học vấn – nghề nghiệp, cũng như những đáng lẽ vu vơ: nên giúp ai đó mà không giúp, đáng lẽ phải trả ơn ai đó mà không trả được.
Chẳng bao lâu Nam còn quen được một ông già Na Uy, ông hay thơ thẩn trong đêm và ghé quán mua cà phê và chuyện vãn với anh. Một thời gian sau, khi biết anh cần một nơi ở, ông rủ về nhà ông ở cho vui, vì “nhà tôi rộng, và anh chỉ phải trả tịền nhà tượng trưng, ở tuổi tôi có thêm tiền không quan trọng lắm, và để vợ tôi nấu ăn cho luôn.” Và đúng như vậy. Sống với ông bà là tắm trong tình người. Hai ông bà thuộc lớp người nghĩa hiệp một cách tự nhiên như tuyết rơi, như nắng đổ, đời xưa vốn hiếm, đời nay lại hiếm hơn, ngay tại xứ Na Uy nhiều lòng nhân ái. Ngoài ra, ông, tuy là người Na Uy, nhưng đã tình nguyện tham gia quân đội Mỹ sang tham chiến ở Việt Nam, và sau đó chuyển qua làm cố vấn cho chương trình xây dựng nông thôn. Ông luôn nhớ tới xứ sở ấy của nụ cười. Nay ông bà đã về hưu, con cái đã lớn và ra riêng cả, kể cả cô gái út Anna. Chuyện Nam ở chung mà như riêng lại càng thích hợp.
Nam lại thuộc loại người sống theo nếp. Đi làm về ít đi đâu: đọc sách, nghe một chút nhạc, xem TV qua loa, anh cũng dùng nhiều giờ rảnh để học các cổ ngữ mà anh thích.
Vào dịp nghỉ mùa đông năm nay, ông bà đi thăm gia đình đứa con trai lớn ở Trondheim, ông bà rủ Nam cùng đi, nhưng Nam lại tính về Việt Nam một chuyến, mục đích chính là thăm cha anh; ông đã quá già, mất lúc nào không biết, ông lại đang buồn nhiều, nhất là từ khi mẹ Nam mất. Trước khi về, có mấy anh bạn đồng nghiệp người Việt biết được, gắm ghé anh cho em gái của họ. Có anh còn chịu chi 200 ngàn đồng Na Uy, lấy thật càng tốt, lấy giả cũng không sao. Nam chỉ cười cười, đùa cho qua chuyện. Anh nhớ tới Uncle Tom trong báo TP đã cảnh cáo là con gái thời nay, thời cộng sản, không được như con gái đời xưa, thời của những tiểu thư hoa mộng, nữ sinh áo trắng tình thơ.
Khi ra Nam khỏi phi trường, trời đã bắt đầu tối. Nam thấy mọi sự đã khác xưa. Cái thiên thai của chàng Lưu, chàng Nguyễn trở nên hom hem, quê kệch so với cái Sài Gòn đang mở ra trước mắt Nam. Cái thành phố Oslo cũng vậy: u u mù mù, lạnh ray lạnh rứt, người chúi chúi khom khom, khác hẳn ở đây gần tối mà nắng còn tràn trề, ấm rân rân nóng xúyt xoa, người người tới tới. Rồi những nàng con gái, các nàng lại càng khác: đẹp hơn, phơi phới, mời gọi hơn. Linh mục kiêm nhà văn Na Uy Kjell Arild Follestad, ghi nhận trong cuốn nhật ký, trong phần về chuyến du hành của ông tới Việt Nam năm 1993, như sau: “Lâu nay trong cái đầu nông dân cả đẫn của tôi, điếm là những chị em béo, bèo nhèo, chảy xệ, nhưng ở đây, trong cái quán disco Queen Bee này, tôi được bâu quanh những nường con gái thánh thiện, có vẻ đẹp khác thường của cõi trên.” “Họ ngồi sau bức những bức tường dọc dòng sông, dưới bóng cây, và đẹp đến nỗi những người đàn ông Mỹ, những người đàn ông Nhật phải điên đầu vì họ.” Đọc đến đó, Nam phì cười, và buồn cười cho cái tật nói quá, nói sai sự thật vốn là cố tật của mấy ông Tây nhà văn, nhà báo khi viết về một đất nước xa lạ như Việt Nam. Nhưng xuyên qua cuốn nhật ký của ông, cho thấy ông là một người đi du lịch nhiều, kiến thức quảng bác, sành sõi mọi ngành nghệ thuật, và có con mắt nhận định thẩm mỹ cao. Thực, hư sao đây? Điếm mà còn như thế, huống chi gái không điếm!
Quả thật, vẻ đẹp hớp hồn của gái Việt được khẳng định ngay đêm đầu tiên Nam thơ thẩn quanh khu Bến Thành, Nguyễn Huệ. Những nàng thiếu nữ, nhiều nàng kiều nữ mặt ngọc, tay ngà, vai cẩm thạch hồng hồng tuyết tuyết lượn lờ, vi vút trên những chiếc xe gắn máy sáng loáng, như những kiệu hoa thượng giới ghé chơi một tối hoa lệ. Khách du quên hết những tin tức, phóng sự này nọ về những người con gái thành phố HCM đăng hàng ngày trên những trang mạng ở nước ngoài. Những trang đó trong nháy mắt trở nên những trang lá cải, hạ cấp, thậm chí “phản động”, “diễn biến hoà bình”. Và có lẽ cũng vì thế, cái chữ hiếu trong những điển tích, sách xưa mà Nam vẫn hết sức tâm phục và quyết chí noi theo, và thậm chí có lúc anh đã say mê giảng dạy trong các lớp bảo tồn tiếng Việt, giữ gìn đạo lý dân tộc trước khuynh hướng coi trọng cá nhân quá mức quên cha quên mẹ của người bản xứ, chữ hiếu đó lẻn đi hồi nào không hay; lương tâm cố cựu trở nên lẩm cẩm, ấm ớ, không còn đủ sức thúc đẩy Nam quê thăm cha già ngay chiều hôm ấy, hoặc ít ra ngay sáng hôm sau, như là chuyện đương nhiên phải thế, như anh đã định trước khi lên đường về xứ. Sài Gòn tuy không còn là minh châu trời Đông, nhưng những nường con gái vẫn còn là những viên ngọc trai kết tinh biển mát.
Cái anh chàng lù đù, ngồi trong quán bán xăng đêm đêm, ban ngày ngơ ngơ ngẩn ngẩn với phòng trơ chữ nghĩa, nói năng ừ ừ ờ ờ, bây giờ, dáng dấp phơ phới, mặt mày tươi tắn, trẻ ra, lại nói năng linh lợi, như chiếc máy hát hàng hiệu bỏ lâu ngày trong kho tối, nay được đưa ánh sáng lau chùi, cắm điện vào. Nam cua được một cô gái mà anh chấm nhất trong một nhóm con gái đang uống sinh tố trong quán cà phê vườn, anh ưng từ khuôn mặt, đôi môi, đối mắt, nhất là đôi tay trắng, muốt dài như đang vuốt lụa sông Ngân trên đầu, không còn biết đâu là sông lụa, đâu là bàn tay ngà nàng. Nam tán, Nam nói trăng, nói sao, nói về những bài hát, những bài thơ xưa mà ngồi cạnh cô, trong cái đầm ấm đêm nhiệt đới, bỗng rưng rưng trong lòng anh. Cô nàng nghe, mỉm cười, ăn kem, uống nước đá, nghe, mỉm cười, ăn trái cây, cười, nghe, uống cô ca, mỉm cười. Túi thời gian của đêm cạn quá nữa, và của những ngày nghỉ cũng chẳng còn bao nhiêu, Nam cầm đôi tay lụa đang trói dần anh, nhìn vào đôi mắt trời sao mê hoặc, và thì thầm :
“Thanh yêu anh nhé! Thanh về ở với anh, được không?”
Cô nàng gật đầu:
“Mà anh ở đâu?”
“Anh ở nước ngoài, ở Na Uy.”
“Na Uy là đâu vậy anh?”
“Là Norway đó.”
“Là đâu?”
“Một nước ở Bắc Châu Âu.”
“Ở đó chắc vui lắm.”
“Không, buồn, buồn vì lạnh và nhiều yên lặng. Thiên nhiên yên lặng, con người cũng yên lặng. Ở đó người ta cần nhau, cần nhiều hơn những vùng nắng ấm.”
“Vậy hả, mà gần Mỹ không anh? Em có nhiều bạn đi Mỹ.”
“Không, xa lắm. Qua Nữu Ước 5 tiếng mới tới. Qua Cali 8 tiếng.”
“Em thích đi máy bay.”
***
Sau khi thăm cha mình xong, anh trở lại Sàigòn, thăm gia đình Thắm. Gia đình Thắm nhanh chóng coi anh như một người quan trọng, khi họ hỏi anh làm gì bên ấy, anh trả lời anh bán xăng, họ cứ tường là chủ tiệm xăng, anh cải chính anh là nhân viên bán xăng, họ nhất định không tin, anh chẳng qua khiêm tốn.
Anh cũng quyết định đi Căm Bốt thăm quần thể đền Angkor một chuyến, một nơi mà anh từng ước ao được đi từ ngày đọc cuốn du ký của Nguyễn Hiến Lê và sau này ở Na Uy, nhiều sách, nhiều ảnh còn hấp dẫn gấp bội. Và giá chuyến đi lại quá rẻ, nếu so với giá cả của các công ty du lịch Na Uy. Khi ngỏ ý xin phép đưa Thắm đi Cam Bốt, ba mẹ của Thắm đồng ý ngay, không thắc mắc mảy may những hệ lụy ghê gớm người đời xưa, mà cũng không xưa gì lắm, trước 1975 đây thôi, chắc chắn sẽ không dám liều. Thắm chấp nhận, vui vẻ nữa là khác, vì đây là lần đầu tiên được đi nước ngoài, tuy rằng chỉ đi xe buýt. Nam háo hức xem phong cảnh ruộng đồng, thốt nốt, nhà sàn, sông nước, em bé da nâu mắt sáng, những cô bán hàng nâu dòn duyên dáng xà rông, bà già hom hem vái vái, gì cũng ngạc nhiên, chụp ảnh, quay video, rồi lại thẩn thờ nhìn về quá vãng, hăm hở như muốn ôm hết quá khứ lẫn hiện tại Căm Bốt về nhà ở mình, kho trí mình. Còn Thắm ngủ gà, ngủ gật, khuôn mặt nàng mỹ nhân cổ thi, tiên nương tiên cổ tích đang mmo màng giấc bướm. Ngủ chán, Thắm ăn bánh, uống nước ngọt, chán, quay qua nói chuyện với con nhỏ ngồi băng bên kia với một ông già. Chuyện nó mua sắm mỹ phẩm, ăn cao lâu, ở khách sạn ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, chuyện ông rộng rãi chi như thế nào, đi chơi với ông cả tháng này, ông cho nó 2 ngàn đô. Con nhỏ cỡ mười tám đôi mươi, và ông già bảy mươi là ít nhất, người Chệt Việt kiều, mà con nhỏ bảo là ông bác, nhưng kiểu con nhỏ ngả vào lòng bác ngủ, bác vừa xoa xoa vai nó, vừa nhìn xiên khoai vào vú non không áo ngực của con nhỏ, nói năng chớt nhã, không ai tin hai người là bác – cháu. Nhưng Nam không nghe ai nói gì, chỉ có Thắm nói, nói hăng say, nói hồ hởi khi hai Nam – Thắm không gần người khác, như khi xe ghé nhà hàng uống nước giải lao, nói thầm vào tai Nam, khi ngồi trên xe. Không nói không được. Nam chịu khó nghe, nhăn mặt nghe.
Sau khi thăm đền Angkor Wat và khu đền Angkor Thom xong, người hướng dẫn thông báo ai muốn đi thăm Biển Hồ (Tonle Sap), thì cho biết, và dĩ nhiên, đóng thêm phụ phí. Anh còn cho biết ở đó có đông người Việt ở, lâu đời có, những người mới đến sau năm 75 cũng có. Nam biết về Biển Hồ, qua môn địa lý và qua những bài phóng sự hồi xưa của Lê Hương trong báo Thời Nay và mới đây qua cuốn Ó Đen của Lý Tống. Một vùng sông nước của những con người có lối sống hoang dã và có phần huyền bí. Ngoài ra, anh hướng dẫn còn nói riêng cho anh biết ở đó có những kháng chiến quân thất bại, những người vượt biên đường bộ không lọt, người còn nguyên, kẻ bị thương cũng về đó sống trên những chiếc xuồng, thường là vất vả, vất vả tận cùng. Họ không còn con đường nào khác. Mam háo hức đăng ký đi ngay, rồi anh quay qua hỏi Thắm đang mỹ miều thiu thiu ngủ:
“Em đi không?”
Thắm phụng phịu:
“Không, em không đi đâu. Sông với nước thì có gì mà đi!”
“Đi với anh cho vui, biết đâu thấy được những cái hay. Đã đi qua tới đây…”
“Không, em không đi đâu. Và đi làm gì cho tốn tiền! Ngay cả đền Angkor, em cứ tưởng là ghê gớm lắm, hóa ra chỉ là một đống đá chồng lên nhau. Em về khách sạn ngủ, em nhức đầu.”
“Ừ, tùy em.”
Xe ngừng lại trước một nhà hàng để ăn trưa, có mấy khất sĩ áo vàng nắng đang đứng nghiêm trang nghiêng nghiêng giũa trời nắng đứng, sau dậu hoa giấy cởi mở sắc lòng, chờ nhận đồ của bá tánh, anh bèn nói với Thắm:
” Đưa máy để anh chụp mấy thầy.”.
“Chụp mấy cái ông làm biếng đó mà làm gì cho tốn phim. Anh thiệt không giống ai.”
“……”
***
Xe chạy xuôi nam về hướng Biển Hồ. Nam, không có Thắm, người nhẹ nhỏm thấy rõ. Lại còn gió và nắng và cây cỏ. Gió mỏng, nắng trong, cây cỏ xanh non, hơn bên xứ mình. Những mái nhà nâu ẩn nhẫn, buông xuôi. Thỉnh thoảng hiện ra những ngôi chùa, chùa nào cũng mới, vàng huy hoàng, màu sắc tinh tế, điểm xuyết kỹ càng, mái vút lên trời, như kiệu hoa kiệu những nường apsara từ trời vừa đậu xuống. Chỉ có mái chùa là vui. Trâu gặm cỏ, nhìn ngu ngơ ven đường, quanh những phế tích. Những đứa trẻ chăn trâu quần áo xốc xếch, đội chiếc nón lá xứ Việt tơi lá.
Khi xe xuống bến ghe, đám trẻ bâu lại xin tiền, những làn da nâu, những con mắt chao chao nỗi buồn. Nam loay hoay kiếm tiền lẻ để cho. Có người nói: “Anh cứ cho tiền như thế, tụi nó đã lười đâm lười hơn. Cha mẹ chúng cũng vậy, đôi khi còn có bọn tổ chức ăn xin. Làm cản đường, cản lối!” Nếu Thắm cùng đi, gặp cảnh này, chắc nàng cũng sẽ đồng tình với những lời lẽ khôn ngoan đó. Thắm xem ra khôn ngoan, cái gì cũng khôn. Mà Nam lại không thích khôn. Khôn cũng mệt. Khôn kiểu người mình lại càng mệt. Nam không thích mệt mỏi để được tiếng khôn ngoan.
Tàu chạy dọc sông dẫn ra Biển Hồ. Hàng hàng lớp lớp dừa nước vươn vươn sức xanh mới mới. Mênh mông những đước là đước, xum vầy, an ổn. Những dãy nhà nổi xanh xanh hai bên sông nước đục. Những chậu bông giấy hào hoa, bông thọ vàng ươm trong lon thiếc han rĩ, những bàn thờ thiên sơn màu đỏ. Trẻ em nói cười, có đứa đang lội dưới sông người đen bóng, nhăn răng cười trắng nhỡn, có đứa đang ngồi chò hỏ đút cơm cho em, có cả những đứa đang ê a đánh vần, có đứa nằm chổng mông tập viết, tập đồ trên sạp ghe. Có trường học nổi, a bờ a ba, e bờ e be trong trẻo, tin tưởng vào mình, vào thế giới đang quanh mình, sẽ đến với mình, như từ bất cứ trường mẫu giáo nào trên trái đất này. Có cả ngôi nhà thờ chông chênh đang gắng khẳng định mình trên sông nước mênh mang ghe qua xuồng lại. Những người đàn bà, những đàn ông khô héo bập bềnh trong im lặng đông đặc dưới vành nón lá bạc màu.
Tàu chạy đến quán nổi Cá Sấu thì ngừng cho du khách lên xem dân tình và xem nơi nuôi cá sấu. Những đứa trẻ ngồi trong những chiếc thau nhựa đủ màu chèo ào ào lại xin tiền: “Cho con một đồng đi chú.” “Cho con vài đồng ăn cơm.” Nam cho mỗi đứa mấy chục ngàn tiền Miên. Có đứa cám ơn, có đứa ra vẻ tức tối. Nam thấy có con nhỏ áo xanh chèo xuồng tới, mà chưa thấy xin. Con nhỏ khoảng mười lăm, mười sáu tuổi, mặt đẹp, môi đỏ, da trắng hồng không thua gì những đứa con gái Việt kiều bắt chước Lara Croft đu rể cây đa, bắn súng giả, cười đùa rong đền Angkor Thom sáng nay. Con nhỏ áo xanh cứ chèo xớ rớ, xem ra không tranh lại với mấy đứa con trai xông xáo, to mồm. Nam kêu nó lại và loay hoay sao đó, cho con nhỏ nguyên tờ 100 đô. Có thằng nhỏ cụt tay, chèo xốc tới, trợn to mắt nhìn tờ đô la con nhỏ đang luýnh quýnh cầm trong tay, hét lớn:
“Ông Việt kiều dê con Hai Ngân, ổng cho nó 100 đô lận, tụi bay ơi.” Mọi người xôn xao, đám ăn xin, những người bán quán, những người ngồi quán và cả những du khách người Việt.
***
Chiếc tàu chở khách du lịch, sau khi ra giữa Biển Hồ, quay về và bất thường ghé lại bến Cá Sấu lần nữa, để cho ông Việt kiều Nam lên bến một mình theo yêu cầu của ông ta. Mấy người làm trong quán, nhận ra ngay ông Việt kiều lúc nãy, có kẻ ngạc nhiên:
“Sao chú không theo tàu về Xiêm Riệp?”
“Ghé lại đây chơi thêm một chút.” Và Nam cười cười: “Mà cũng có thể ở lại đây luôn.”
“Thiệt hay giỡn vậy chú. Ở đây buồn thiu có gì mà ở.”
Có tiếng của thằng nhỏ cụt một tay đang chèo thau từ dưới sông vang lên:
“Ổng dám ở lại đó chị Hai ơi. Ổng tính dê con Ngân đó. Hồi nãy ổng cho nó 100 đô lận, còn tui tàn tật, ổng chỉ cho một đô hà!”
Cô chủ quán đỏ rựng mặt, cũng cố quát ngang:
“Đừng nói bậy nghe Tư cụt!”
Nam không nói năng gì. Đi loanh quanh xem cá sấu, rồi ngồi nhìn sông nước, thuyền bè xuôi ngược, du khách lên xuống, rồi anh đi ra phía sau quán, nơi có mấy chiếc ghe có bàn thờ thiên đằng mũi đang đậu. Riêng chiếc ghe trước quán có vẻ sạch sẽ, phần đầu ghe có hai dãy cây trường sinh hoa đỏ, hoa vàng, hoa trắng, lá to, lá nhỏ, lá xanh, lá đỏ, lá nâu, trồng trong chậu sành vân xanh, và đầu mũi ghe, thay vì bàn thờ thiên như những thuyền chung quanh, là một tượng nữ thần Chamànda đen gầy nhom, vú vê teo xệ, rắn cuộn trên đầu, thòng trên người, cuốn dưới chân, đã thế, còn đeo nguyên vòng sọ người quanh cồ, dưới chân còn nhiều sọ người khác, trên tay còn cầm hai tay hai sọ nữa. Nam ngắm chiếc thuyền một lúc và mỉm cười. Chủ ghe là một người đàn bà. Bà đang ngồi trong khoang tối giữa nhìn ra, thấy người đàn ông sang trọng, bà nhìn ông lúc lâu, như thể nhìn mà không biết mình đang nhìn, rồi bà giật mình, vào lôi trong rương ra chiếc khăn rằn Miên đen, trùm lên đầu và che chéo một nửa khuôn mặt mình, rồi lại lục trong rương kiếm kiếm gì đó, rồi ngồi thừ suy nghĩ, cuối cùng mới hắng giọng rồi lên tiếng:
“Mời anh xuống ghe em tham quan cho biết.”
Cùng lúc đó chị chủ quán thẩm thọt:
“Ghe nhà con Ngân đó chú à!”
Lại tiếng thằng Tư cụt: “Hồi nãy tui nói đâu có sai, mà chị lại la tui!”
Còn Nam, Nam hơi có vẻ bối rối, lẩm bẩm:
“Thiệt bực mình! Chuyện không đâu, thích phiêu lưu một chút mà tùm lum chuyện” Và Nam hơi chột dạ, nhưng cũng đáp liều: “Vâng, cảm ơn.”
Lại tiếng thằng Tư cụt lẻo đẻo:
“Mấy ông Việt kiều, mở miệng là cám ơn hoài tụi bay ơi. Chú, chú cho con một đồng ăn cơm đi.”
Nam bước lên tấm ván chênh vênh bắc từ quán sang ghe. Vẫn chưa thấy người đàn bà ra đón, chỉ thấy đôi mắt sáng từ trong khoang tối, và tiếng bà ta lại vọng ra:
“Mời anh vào đây.”
Lại thằng cụt:
“Ông Việt kiều dê luôn bà Ngọc tụi bây ơi!”
***
Theo huyền thoại, các vương triều cổ Khơ Me bắt đầu từ việc phối ngẫu giữa một vị hoàng tử Ấn vị vua cha bắt đi đày khỏi kinh đô Đề Ly, với một người đàn bà rắn con gái của Vua Rắn Hổ Mang Khơ Me. Cô nàng lộng lẫy hiện ra trước mặt chàng, uốn éo trên bãi cát nơi chàng đang đóng trại qua đêm. Chàng ta lấy nàng làm vợ, và Mãng Xà Vương đó hút khô nước tạo nên đất đai, và ban cho phò mã từ xứ Ấn vùng đất mới đó, gọi là Cambuda và xây cả thủ đô cho chàng.
Nhưng theo bi ký ở Mỹ Sơn, Việt Nam, chồng của người đàn bà rắn đó lại là một người Bà la môn tên Kaundinya, dòng dõi Suryavamsa: dòng dõi Mặt Trời. Chàng ta đã ném cái lao thần, và lao đã cắm xuống kinh kỳ ở đó dòng dõi Somavamsa: dòng dõi Mặt Trăng, đang trị vì.
Một huyền thoại khác: Ông hoàng Kambu, dòng dõi Mặt Trời đã lấy tiên nữ Mera, dòng dõi Mặt Trăng, từ đó có tên Kambuja – con trai của Kambu – trở thành tên nước của người Khơ Me.
Riêng quần thể đền thờ Angkor mà thôi rộng 300 cây số vuông, nhưng toàn vùng văn hóa cổ này rộng tới 5000 csv – trong số đó là 100 csv, từ Biển Hồ Tonle Sap cho tới dãy đồi Kuken vốn là một vùng phố xá – làm thành một thành phố rộng nhất trước thời đại kỹ nghệ của nhân loại. Thành phố lớn được thiết lập ở Angkor, không vì mục đích văn hóa, tôn giáo, nhưng vì tiềm năng nông nghiệp, bởi Angkor nằm trên vùng đất trủng lớn có Biển Hồ và dãy đồi Kulen vây quanh, và nó được tưới, tiêu bởi những phụ lưu của sông Xiêm Riệp. Người Khơ Me đã xây dựng một loạt những bể chứa nước, đê điều lớn, hệ thống kinh rạch, và cùng với Biển Hồ, điều hòa, cung cấp nước cho ruộng vườn vào mùa mưa, cũng như mùa khô.
Khu Angkor được xây dựng từ năm 879 – 1191, và vương quốc Khờ me đã hiện diện ở đó từ 802 -1431. Thời gian các đền thờ được xây cũng là thới gian cực thịnh dưới thời hai vua Suryavarman II và vua Jayavarman VII. Vương quốc trải dài từ Nam Việt Nam tới Vân Nam, Trung Quốc, và từ biên giới phía tây Việt Nam tới vịnh Bengal. Vua Jayavarma VII, có lẽ vì phung phí tài sản quốc gia tới mức khánh kiệt để xây cất đền thờ, đã làm cho dân bất mãn, và cũng vì đó hệ thống dẫn thủy nhập điền không được tu sửa. Có thuyết còn cho rằng vì động đất phá vỡ hệ thống đê điều, và tạo nên lũ lụt tràn ngập khu Angkor, do đó tàn phá môi trường sống và bệnh dịch bộc phát. Ngoài ra, cuối thế kỷ thứ 13 tới đầu thế kỷ thứ 14 dân Khơ Me từ Ấn giáo chuyển sang Phật giáo tiểu thừa; như thế, người cai trị phải tìm ra những biện pháp mới để thống nhất lòng dân và cai trị họ, và dĩ nhiên phải có đối kháng. Trong khi có những thay đổi như thế, các lân bang cũng mạnh lên và họ bắt đầu tấn công Angkor. Cuối cùng năm 1431, vua Thái Ayuttaya bao vây và chiếm được Angkor sau sáu tháng bao vây. Năm 1432 người Khơ Me dời thủ đô về phía nam, nhưng đế quốc Khơ Me không bao giờ có được cái vinh quang thủa trước.
Riêng đền Angkor Wat có hình chữ nhật kích thước 1500m x 1300m, với vòng hào rộng 190m, chiếm tới 200 hecta. Đây là đền lớn nhất trong nhóm đền Angkor và nằm phía Nam của đền chính là Angkor Thom. Ngoài ra còn có một hệ thống cung cấp nước cho thành phố Angkor phân nhánh ra ngoài thành phố, dài từ 20 tới 25 km. Và mới đây, một nhóm nghiên cứu quốc tế đã chụp không ảnh bằng rađa và khám phá thêm được ít nhất phế tích 74 đền thờ và hệ thống kinh rạch được qui hoạch công phu, bị chôn vùi trong khu rừng chung quanh khu Angkor hiện tại; toàn thành phố Angkor xưa chiếm một diện tích tới 1000 csv, rộng cỡ thành phố Los Angeles…
Nam ngồi trước mũi ghe đọc những thông tin về Angkor như thế, sau khi trò chuyện với Ngọc một lúc lâu đủ mọi thứ chuyện ở đây: về đời sống của hai người, lịch sử vinh quang mà tang thương của Cam Bốt, về người Căm Bốt, về người Việt ở Căm Bốt, và về cuộc sống của họ ở Biển Hồ, và Ngọc cũng cho biết đứa con gái may mắn lúc nãy là Ngân, con cũa chị
Con bé Ngân nghe tin ông Việt kiều xuống ghe mình, nó chèo xuồng về ngay, và bây giờ đang loay hoay pha trà, mua bánh đậu xanh, chưng ra đĩa, và khép nép bưng lại cho Nam. Nó mặc bộ đồ bộ mới hồng cánh sen, tay vừa mới lồng cái vòng cẩm thạch không biết thật hay giả, nhưng xanh xanh như một mảnh thiên nhiên bình yên trên màu da cườm tay trắng muốt chưa quên địa đàng, lại còn đôi bông hạt ngọc trai (chắc là giả) hiền hậu màu mặt trăng một sáng trên biển lặng, và ngồi khép nép trên góc chiếu cói hoa mới, còn thơm mùi cỏ được nắng. Trong khoang là êm ái, bình an, khác với đầu mũi ghê sợ bên ngoài.
Trời đã tối, Nam nhìn Ngân, thấy Ngân long lanh trong đêm, nhưng chị Ngọc lại như tan trong bóng mờ. Nam nhìn kỹ chị, thấy có một vết sẹo sắc lá lúa chém nghiêng dưới vành mắt phải cho tới giữa má. Anh bây giờ im lặng, hai mẹ con cũng yên lặng, khi nhình xuống chiếu, khi nhìn ra ngoài sông tối, và đôi khi cũng nhìn vào nhau, nhìn bóng tối nhau. Bỗng Nam lên tiếng:
“Giờ tôi càng thấy quyết định của tôi nán lại đây là đúng. Nãy giờ quên! Mà chồng chị đâu? Đi làm chưa về à?”
“……”
“Mà chồng chị là người Miên hay người Việt?”
Ngọc ngập ngừng:
“Người Miên…”
Nam chép miệng rồi nói:
“Ngoài con Ngân ra, anh chị có đứa nào nữa không”
“Không. Con Ngân là con của chồng trước người Việt của em. Anh thấy đó: da thịt nó trắng như con gái Việt.”
“Xin lỗi, cho tôi tò mò một chút. Thế chị ở đâu mà trôi nổi đến đây?”
Ngọc vừa nhìn mông lung ra sông tối vừa nói:
“Em từ ngoài Trung, đi thanh niên xung phong đóng ở Battambang, được mấy năm, em quen với một anh bộ đội. Rồi lỡ có con với nhau. Lúc đó chúng em nghĩ tới mình thì ít, nghĩ tới tương lai con thì nhiều, nên liều tìm đường đến Pallin để vượt biên qua Thái, nhưng mìn gài chằng chịt dọc biên giới. Ảnh bị trúng mìn chết. Còn em bị thương. Anh Thạch Sang, lúc ấy là đồn trưởng đồn biên phòng, đã cứu em, khó khăn lắm mới đưa được đưa em về đây sống chung với ảnh. Rồi em sinh ra con Ngân trên chiếc ghe này đây.”
“Ảnh giờ ở đâu?”
“Ảnh bỏ mẹ con em, lang bang từ lâu rồi.”
“Ảnh đã liều cứu chị mà…?”
“Người Miên họ chịu khó không bền, bấp bênh như lục bình, lại vô chừng vô hồi như rắn hổ mang mà tổ tiên họ thờ.”
“Ừ, tôi thấy đâu cũng có tượng rắn hổ mang đủ loại, đủ kiểu. Chị biết không khi từ cửa khẩu Mộc Bài vừa bước qua biên giới Căm Bốt, tôi thấy ngay tượng mặt thần rắn hổ mang, và dần dà tôi thấy người Khơ Me sao giống rắn hổ, nhất là mắt, đôi mắt họ hớp hồn tôi ngay? Tôi bị thôi miên vào thiên cổ. Tôi thấy đền đài Angkor là những con rắn hổ khổng lồ ngóc đầu, trương vi, trương vảy. Trong đôi mắt của những người Miên mà tôi gặp hiện lên những Angkor như thế. Rồi hàng trăm tháp đá mặt người ở đền Bayon, trong khu Angkor Thom, cũng chỉ là những chiếc đầu rắn hổ khổng lồ mang mặt người, dù đó là mặt của Phật Bà Quan Âm hay của vua Jayavarman VII đi nữa. Cái không khí đền đài nằng nặng, thâm u của màu mắt rắn, và màu mắt rắn vẫn còn ngự trị quanh Đất Nước này.”
Mặt Ngọc bỗng u ám lại, miệng móm hình tam giác, và hơi thở khò khè như đang lên cơn suyễn nặng.
Nam hoảng hốt:
“Chị sao vậy?”
Ngọc thì thào:
“Em tức ngực quá. Chỉ cần uống li nước lạnh, và đắp lá sống đời… à quên, á ớt… lên ngực là em đỡ ngay thôi. “
Con Ngân chạy ra ngoài lu, múc ly nước mưa cho Ngọc. Ngân khom người chui ra khỏi khoang, quay lại nhìn về hướng Nam đang ngồi, rồi xuống xuồng chèo đi xin lá ớt.
Nam trở nên băn khoăn:
“Sống như thế này, lâu nay hai mẹ con lấy gì mà sống?”
Ngọc thở hắt hơi ra:
“Cũng phải sống thôi. Hồi rước có bà con giúp đỡ, và em lê lết chèo xuồng bán bậy bạ, rồi cũng qua được. Giờ nó lớn, nó ngày cứ chèo xuồng xin tiền du khách. Được cái nó trắng trẻo, nhiều người thương, nên cũng không đến nỗi nào. Nhưng đi xin cả mấy năm nay, chỉ có hôm nay có anh là người cho nó nhiều nhất. Nó mừng run người anh ạ.”
“Chẳng qua lúc đó tôi hết tiền lẻ, mà thấy con nhỏ tội nghiệp quá, không cho không được.”
Ngọc trong tư thế như đang qùi nhích nhích lại phía Nam, chộp lấy tay Nam:
“Em nói thiệt nghe. Mà anh đừng giận.”
“Thì cứ nói đi cái đã.”
“Hay là anh cứ ở lại đây với mẹ con em đi.”
“Thì phải xem sao cái đã. Tôi thì không sao nhưng còn chị
”
“Xem sao gì anh? Kệ người ta, dân giang hồ tứ chiếng mà! Mình sao có trời biét”
Rồi Ngọc nắm lấy tay Ngọc, nắm chặt, và áp vào trán mình:
“Hay là… anh đã thương con em thì thương cho trót: em gã nó cho anh, anh đưa nó qua bển, mẹ con em đội ơn anh mãn kiếp.”
Nam không tõ vẻ gì ngạc nhiên.
Yên lặng một lúc lâu…
Ngọc lại van vĩ:
“Đời em thì như vứt rồi. Còn đời con em. Anh không lấy, thì nó cũng lấy những đứa không ra gì ở đây, chưa tính là chuyện nó bị hiếp, nó bị hiếp mấy lần, may nó có chèo táng bọn nó rồi thoát thân. Nó cứ ngồi im lạng nhìn anh, anh không thấy sao?
Nam, giọng tính toán:
“Để tôi xem sao đã.”
“Anh chưa có vợ, hay có vợ mà ly dị rồi phải không?“
“Ngân còn nhỏ tuổi, chưa được đâu”
Ngọc cười lớn, đổi cung:
“Vậy là anh ưng nó rồi phải không?”
“……”
“Anh ưng nó, chờ nó đủ tuổi rồi cưới có sao đâu?”
“Bậy, nó thế nào chẳng chê tôi già rồi!”
“Anh mà già gì. Mấy thằng con trai ở đây dù mới mười tám đôi mươi mà đen như trâu thui, da dẻ lùi xùi, xình lầy bám vào từng lổ chân lông, tụi nó sao bằng anh được.”
Nam nuốt nước bọt. Lặng trân. Rồi nói:
“Mà chị nói vậy, chắc gì nó đã ưng tôi.”
“Sao lại không? Con tui, tui biết. Anh không thấy, nó thấy anh vô nó thẹn thẹn thùng thùng, thay áo mới, tíu tít nấu trà, mua bánh cho anh hay sao? Ở đây con nít lấy ông già hà rầm, huống gì anh, anh già tuổi, chơ người anh đâu có già.”
.***
Cái làng nhỏ nơi Thảo và Nam sống là một làng tương đối yên ổn trong suốt cuộc chiến. Những người di cư vào đó năm đầu, năm sau nhà ai cũng có bò, trong khi dân địa phương chỉ nuôi trâu, nuôi hàng đoàn. Nuôi bò sạch hơn nuôi trâu, mà lại có thể bán được, trong khi thịt trâu chẳng mấy ai ăn. Cày của dân địa phương là cày chìa vôi, cày một, vác đi vác về dễ dàng, còn người địa phương lại cày trâu, cày đôi nặng nề, cày xong phải để lại. Gánh chè xôi nước bà Năm Đá làng bên cạnh gánh thẳng vào xóm địa phương, không bao giờ ngừng lại ở xóm di cư làm chi cho mất công. Chuyện gán lúa non ăn hàng là điều quái gỡ đối với dân xóm di cư. Có lẽ vì thế mà những ngôi nhà gạch quét vôi sạch sẽ, cao ráo thay dần những nhà vách đất, mái tranh ở xóm di cư, trong khi xóm địa phương những mái nhà dân tộc vẫn đời đời như thế với dân tộc. Dân di cư theo ngụy, theo đế quốc Mỹ, chống cọng, dân địa phương vào rừng, hoặc lén lút tiếp tế cho giải phóng!
Thảo, người con gái dân địa phương đó, học tới lớp nhất với Nam. Thằng Đực người địa phương đánh Nam, chỉ có con Hai Thảo là can được. Đánh nhiều lần và can nhiều lần. Cắp đôi cắp lứa Thảo với Nam là chuyện đương nhiên, mặc cho thằng Đực bô bô: “Cái thằng Nam đầu to, c. như con trùn đấc mà làm được c. gì.” Có bữa mấy đứa cùng lớp đi hái trái bình bát sau trường, Nam bị rắn cắn, mấy đứa con trai hốt hoảng, nhưng Thảo bình tĩnh bảo Nam nằm xuống, và đưa miệng hút ngay vết thương, nhổ ra, rồi bứt mấy lá sống đời nhai, đáp lên cho Nam. Rồi biểu thằng Đực đua tay giữ lá sống đời khỏi rơi khỏi vết cắn, nó chạy nhanh về nhà lấy xi ranh có chứa sẵn thuốc chống rắn lính Mỹ mới có, chạy nhanh đến trường, lụi đại cạnh vết cắn, và bơm thuốc. Vết cắn sau đó chỉ sưng lên chút đĩnh, rồi lành hẳn. Ba Thảo bày cho Nga đó, Thảo nói khi mấy bửa sau đi học, Nam hỏi. Mẹ Nam mừng. Tuần sau anh Nam đi lính thám báo trên quận ghé thăm nhà, mẹ Nam kể cho anh của Nam nghe. Anh ta đanh mặt lại, không nói gì. Rồi một hôm cảnh sát chìm bắt được mẹ Thảo đang gánh gạo, đường vào rừng, không có thuốc tây, và bắt ngay mẹ Thảo. Ba Thảo đang đánh trâu chở be trong từng, biết tin chạy vào rừng luôn.
Thế là bắt đầu những ngày khổ sở cho gia đình Thảo, một gia đình tương đối khá giả vì có ruộng nhiều, trâu nhiều. Mẹ Thảo được thả về, nhưng bà không thể thay thế được ông. Ruộng bán dần, trâu cũng vậy. Thảo không còn được đi học. Nam ra tỉnh học. Thảo ngày ngày gánh đậu hủ đi bán. Gánh qua nhà Nam, không bao giờ rao. Nam về nghỉ Tết, nghĩ hè, nằm võng trước hiên đọc sách, Thảo gánh đậu hủ đi qua, Thảo nhìn vào, vẫn không rao. Ngày nào cũng vậy. “Cái tụi địa phương, ngu như bò, theo cọng sản làm chi cho khổ.” – Ba Nam nói – “Mình ở ngoài Bắc vào, biết tụi cọng sản ra sao rồi, nói vẫn không nghe. Có ngày tụi nó tróc của, giam tù rồi mới trắng mắt ra.” Và Nam bận học, bận bịu ước vọng, và cái vô ơn, chóng quên ơn vốn là lẽ thường tình nơi tuổi trẻ, có lẽ thế. Nhưng Thảo không có được tuổi trẻ, nó đã lớn từ lâu, từ ngày còn học với tiểu học với Nam, và về sau tan nát gia đình vì Nam, đó là theo sự suy đoán của gia đình Thảo.
Rồi cách mạng thành công. Rồi ba Thảo trở về. Ba làm lớn trong huyện. Thảo làm lớn trong xã. Và tội tày trời còn sờ ra đó. Anh Nam đi cải tạo mút chỉ và Nam cũng bị trói dẫn lên trại giam huyện. (Ba Nam khi đó đã mất). Thảo ra đứng trông theo, mấy đứa du kích, mấy đứa công an áo vàng (người địa phương) cười cười, đụ má đụ mẹ cái dân di cư. Thảo cũng mặc áo công an.
Nam nằm biệt giam, tuyệt đối không được ai nhận thăm nuôi theo chỉ thị của giám thị gian ác, thâm hiểm Quảng. Nhưng bất ngờ ngày 28 tết, lại nhận được một gói quà tay công an trẻ coi khu biệt giam lén đưa vào, khi buồng chỉ có Nam: một một bịch thịt trâu, một gói trà, mấy cái bánh đậu xanh, và cuốn truyện ngắn của Maxim Gócki. Nam mở ngay cuốn sách, nhưng thấy trang đầu ghi tựa đề cuốn truyện, bị xé đi, và trang vốn liền với trang bị xé, rớt ra. Chắc người gởi, viết gì đó nơi trang đầu nên bị (những) kẻ trung gian xé. Tay công an đưa gói quà mà hằm hằm, như thể phải làm một việc hắn bó buộc phải làm.
Nam ở tù năm năm mới về. Về, làng đã vào hợp tác xã trăm phần trăm, tiêu điều và đói hơn xưa, đói nhiều. Cách mạng thành công; vượt biên trường kỳ. Từ giả hợp tác, đi. Có người vui lớn, vì người nhà đã đi lọt, có người buồn vì chính mình còn vẫn phải ở lại, vào tù. Khổ trong, khổ cho người ngoài. Dân địa phương vẫn cờ đầu cho những công trình thủy lợi ruồi bu. Dân di cư, bị bắt, bị đánh, bị bắn, vẫn luồn lách như chạch, tiếp tục ba lốc vượt biên.
Thảo sau đó nghe nói đi học trường đảng, hay thuyên chuyển công tác đâu đó. Lâu lắm không thây về. Có người nói con nhỏ nay làm lớn đâu tận Hà Nội!!! Có đứa xấu mồm nói con nhỏ chửa hoang, xấu hổ bỏ xứ mà đi.
Nam vuợt biên tiếp, và lọt.
***
Sau ba năm chờ đợi cho Ngân đủ mười tám tuổi, Nam cưới và bảo lãnh Ngân sang Na Uy. Nói là vì con nhỏ vì con nhỏ xinh đẹp, trẻ măng dĩ nhiên là đúng, nhưng vì con nhỏ hiền lành quê mùa cũng không sai, bởi Nam quá ngán những người đàn bà trí thức ta đây, lắm chuyện, thường là chuyện hởm hĩnh. Nếu nói về hạnh phúc, lẫn nỗi khổ của một người đàn ông năm mươi lấy cô gái mười tám xinh đẹp như Ngân, thì phải cần mấy trăm trang nữa mới kể đủ. Nhưng nói chung chung thì như ông bà ta nói xưa vẫn đúng: Chồng già, vợ trẻ là tiên trên đời; tiên cho cả hai chứ không phải chỉ cho mình Nam, vì Nam là dân thể thao cao ráo, lực lưỡng, da chưa nhăn, tóc còn đen, lại ở một đất nước, ở đó người ta quan niệm tuổi năm mươi mới là tuổi đáng sống. Có những lúc cuồng nhiệt chuyện vợ chồng, nhưng cững có những lúc yên lặng nằm co mềm mại, lười lĩnh trong lòng Nam khi Nam đọc sách, nàng Triệu Vân của Bạch Cư Dị cũng miêu khả tú đến thế là cùng. Nhưng thấy cô nàng rất ít nói trên giường, cũng như bên bàn. Có lẽ cô nàng biết rất ít tiếng Việt. Những lúc nói chuyện với mẹ, Ngân líu lo tiếng Miên với mẹ. Hai người nói với nhau rất lâu. Ngân đi học tiếng Na Uy, nói lỏm bỏm, rồi nhờ ông Johanson giới thiệp với con cháu, con bạn của ông, Ngân mới một năm đã nói khá giỏi. Và bắt đầu ăn mặc theo tuổi trẻ. Ngân đã đẹp lại đẹp hơn. Ông bà Johanson mừng cho Ngân và bảo Nam may mắn lắm, ở Na Uy chỉ có lấy mấy bà già. Ngân vui với cảnh sồng mới trong đât nước mới.
Ngân định cư được ba năm, thì được phép định cư vĩnh viễn. Ngân gọi điện thoại về cho mẹ mình. Ngọc mừng lắm. Mấy hôm sau, Ngọc lại kêu Nam về thăm lại Angkor, vì người ta mới khai quật được nhiều di tích mới trung rừng quanh khi Angkor hiện tại, không thấy nói năng gì đến Ngân con mình. Lúc ấy cũng vào dịp nghỉ Đông, ông bà Johanson dự tính qua nước Băng Đảo xem cảnh và nhất là tắm suối nước nóng lộ thiên giữa mùa đông tuyết trắng, và rủ Ngân, Nam cùng đi. Có gia đình mấy người bạn cùng đi. Ngân rất vui, xin phép Nam đi Băng Đảo, không có vẻ háo hức gì chuyện về thăm quê, trong khi Nam lại thích đi Angkor hơn.
Anna biết Nam đi, nhân tiện cũng sẽ đi với Nam qua Căm Bốt, để xem xét tình hình thực tế của một số trẻ em mà chương trình Plan trợ giúp, để trợ giúp các em có hiệu quả hơn. Ngoài ra lần này, sau khi nghe Nam nói về tình trạng các em bé thất học ở Biển Hồ, cô đã quyên góp được một số tiền từ những người quen biết, để đến đó làm thêm một ngôi trường nhỏ như gợi ý của Nam từ lâu.
Anna đến là mê ngay Angkor và Biển Hồ và vui vì có dịp thực hiện được dự định từ thiện ý nghĩa. Anna và Nam cùng đến thăm Ngọc. Ngọc có vẻ đầy đặn, tươi tốt ra, tuy cũng vẫn cứ che mặt như một người Miên Hồi Giáo chính thống, và Ngọc cũng mới chuyển qua ghe mới mua, lớn, khang trang hơn, có treo những đèn lồng đỏ, mùng màn đôi trắng tinh, làm người ta có cảm tưởng đang ở trong thuyền hoa của một thủa nào Đường thi. Anna cứ trầm trồ mãi. Anna hay cầm tay Nam như những ngày anh ở chung với ông bà Johanson, những lần cô đến chơi. Rồi hai người lại vội trở lại Xiêm Riệp để có đủ thời giờ xem kỹ Angkor theo sơ đồ hướng dẫn trong cuốn La guide d’Angkor: les monuments du groupe d’Angkor của Maurice Glaize. “Con Ngân không về cũng phải, anh bận bịu như thế kia!” Ngọc có lúc kéo Nam ra nói riêng như vậy.
Coi xong Angkor, và dựng xong ngôi trường nổi, Anna đi qua Thái chơi. Nam vẫn ở lại khách sạn ở Xiêm Riệp, thỉnh thoảng đến thăm Ngọc. Ngọc, cơn đau lại tái phát, có vẻ trầm trọng hơn lúc trước: oằn người, rên như rít, xùi bọt mép, tay cào. Nam muốn đưa đi bệnh viện, nhưng Ngọc không muốn. Nam đi thăm dần phế tích các ngôi đền nhỏ mới phát hiện, và sung sướng say mê đọc văn bia bằng tiếng vedic sankrit hoặc pali, phần thưởng sau những năm chuyên cần học.
Nhưng hôm hăm tám, tháng chạp, Nam đến thăm lần nữa, thì Ngọc đã khoẻ và chuyện trò bình thường. Anh chồng của Ngọc, Thạch Sang, loanh quanh ngoài quán, có vẻ lảng tránh.
Nam bảo là Nam sau Tết sẽ trở lại Na Uy, và tính chiều ba mươi vào đọc bia ở ngôi đền Wat Phu thờ thần hủy diệt Siva mà người ta hàng năm thọc tiết trâu tế thần, và rảy máu xuống đất để cầu cho trúng mùa, và luôn thể anh đóng trại đêm ở đó đón giao thừa. Ngọc ngỏ ý muốn Nam ở lại đón giao thừa với Ngọc ở Biển Hồ. Nam ngần ngại, nhưng rồi khéo léo từ chối: anh thích ở một mình đêm giao thừa một thói quen anh vẫn giữ từ nhiều năm nay.
“Anh có đón một mình đâu, anh đón giao thừa với nữ thần gì đó kia mà! Anh coi bức tượng đá hơn Ngọc sao? Ở lại với Ngọc đi!” – Ngọc lại qùi trước mặt Nam van xin, và và một tay nắm tay Nam dí dí xoay xoay vào ngực mình, một tay hất tung chiếc khăn lụa ra, và nói:
“Anh có nhận ra em à ai không?”
“Tôi đã biết Ngọc là ai? Từ khi tôi bước xuống ghe này.” Và mặt Nam đanh lại.
Ngọc ôm mặt khóc lớn. Mắt loé sáng, Ngọc bặm môi, chùi nước mắt:
“Anh đi kẻo trời tối.”
Sau Tết không thấy Nam trở lại. Có mấy anh sinh viên người Pháp đến đền thấy Nam nằm chết trần truồng gục mặt xuống đất trong một ngôi đền hoang kể trên, mà trên tường là các bức chạm nổi lớn cỡ người thật các nàng apsara vú vê thánh thiện, dâm dâm, nham hiểm có đủ. Người ta còn kiếm thấy được cuốn sổ của Nam ghi các văn bia và các trang anh dịch những văn bia trong các ngôi đền khác nhau mà anh đã đến xem, trong đó có một câu sấm, có ghi rõ là từ tấm bia trong ngôi đền kể trên, được anh dịch thoát bằng câu ca dao như sau: Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như khơi đựng trầu . Hai câu thơ được anh gạch dưới bằng mực đỏ mấy lần.
Người Việt ở bến Cá Sấu bàn tán xôn xao về cái chết của Nam. Phần nhiều thương cho ông Việt kiều tốt bụng.
Nhưng có bà già, mắt hấp háy:
“Tượng thờ dù đổ vẫn thiên/ Miếu thờ bỏ vắng vẫn nguyên miếu thờ.” Chốn tôn nghiêm ai đời lại làm cái chuyện tồi bại như vậy, mà lại với thần, với thánh.”
Hay như chị bán quán:
“Cái thằng Thạch Sang, nghe bà Ngọc có tiền Việt kiều bò về, bà Ngọc cho ăn nhậu ngập mổm, thằng chả còn bày đặt chửi Việt kiều mất nết. Bã nín khe. Bà Ngọc thiệt lạ!”
Ông chủ nuôi cá sấu:
“Bã chắc bị chiến tranh đau khổ nhiều quá, sinh mát mát. Bạn tui có mấy đứa con gái cũng bị như vậy.”
Có ông già có vẻ nhà nho, đang ngồi nhâm nhi nước trà, thở dài: “Can qua, thiên địa còn phải lệch, huống phận nữ nhi.”
Nhưng thằng Tư cụt vẫn nổi đình nổi đám nhất:
“Cái lão Việt kiều già dịch: Chơi bà Ngọc, chơi con Ngân, lại còn đưa bà Mỹ về nháng. Chết là đáng đời.”
Khoảng một tháng sau, có chàng luật sư trẻ, xuất sắc của hãng bảo hiểm Na Uy mà Nam mua bảo hiểm, cũng là bồ mới toanh của Ngân, sang Xiêm Riệp điều tra, cho biết rằng bác sĩ giảo nghiệm xác định là Nam Van Nguyen đã bị ít nhất hai con rắn hổ cắn. Và cảnh sát cũng cho biết là không biết bằng cách nào chúng đã chui vào được lều chuyên đi rừng nhiệt đới của đương sự và cắn đương sự, dù đương sự chắc chắn phải kéo kín màn cửa lều và cửa mùng lại để ngủ, bởi ở đó rắn rít nhiều và muỗi thì như trấu vãi, và đương sự đã cẩn thận xịt thuốc xua rắn rít với liều lượng cao quanh lều. Ngoài ra còn có dấu chân trần, xiêu vẹo của đương sự, chứng tỏ đương sự hốt hoảng vùng thoát ra ngoài, rồi chạy vào đền sát lều và chết gục ở đó, trái lại hai con rắn ấy, mãi tới khi cảnh sát đến, vẫn còn nằm khoanh trong lều, núc ních, bóng lưỡng.
***
Tái bút: Sau khi viết xong truyện nào, tôi cũng gởi cho một anh bạn văn của tôi, để anh cho ý kiến. Trước đây anh chê tôi cứ hay chêm lời ca của người khác vào truyện, vì anh cho thế là lười suy nghĩ, và làm cho bài văn diêm dúa, ỏng ẹo. Anh dọa là nếu cứ viết như thế, anh sẽ không thèm đọc nữa. Lần này, trái lại, anh lại gởi điện thư cho tôi: “Đọc xong truyện này độc giả nên ngâm nga ít nhất mấy câu đầu bài Tạ Ơn của Trịnh Công Sơn, ắt sẽ được giải thoát khỏi Angkor Môn.”
Tôi xin ghi ra đây nguyên ý anh như thế. Và tiện đây tôi cũng ghi sẵn những câu đầu bài hát ấy ấy:
Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn ai đã đưa em về chốn này, tôi xây mãi cuộc vui.
Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người,tạ ơn đời, tạ ơn ai đã cho tôi còn thấy những ngày ngồi mơ ước cùng người.
Oslo, 15 XI 2008